Tôi có một người hàng xóm nổi tiếng ghê gớm, hà khắc trong việc dạy dỗ con cái. Chị có thể cho tiền con đi học thêm thoải mái, nhưng cũng sẵn sàng mắng chửi con thậm tệ. Hôm rồi, một người quen của tôi, cũng là giáo viên của con chị, kể rằng bé đi học thêm muộn. Biết cô giáo có ý định gọi điện thông báo cho gia đình học sinh, tôi phải vội vàng can ngăn, mong muốn cô cố gắng tự giải quyết, vì không muốn cháu bé lại phải hứng chịu cơn thịnh nộ của mẹ. May mắn là người giáo viên đó đã không gọi về cho mẹ cháu, mọi việc được giải quyết ổn thỏa.
Tôi không biết liệu hành động can thiệp của mình là đúng hay sai? Đành rằng gia đình cũng phải có trách nhiệm chung tay để dạy dỗ trẻ, việc giáo viên giữa liên lạc với gia đình học sinh để trao đổi các vấn đề liên quan đến giáo dục con cái là cần thiết, cũng chẳng giáo viên nào muốn bị coi là thiếu trách nhiệm khi không kịp thời thông báo tình hình cho phụ huynh học sinh, nhưng liệu có nên động một chút là lại gọi điện phàn nàn với gia đình các em?
Giáo viên dù gì cũng là người có trình độ và nghiệp vụ sư phạm, trong khi đó phần lớn phụ huynh học sinh đều đã rất vất vả với công việc mưu sinh của mình, thiếu kỹ năng sư phạm nên dễ có tư tưởng dạy trẻ sai lầm, đánh chửi con. Việc giáo viên liên tục gọi điện phàn nàn từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ có thể khiến phụ huynh thêm ức chế và trút hết bực tức lên đầu con cái họ.
Hơn nữa, giờ đây, cuộc sống phát triển hơn nhiều, học sinh được tạo nhiều điều kiện để phát triển cả về thể chất, lẫn tinh thần. Trẻ em ngày nay thông minh hơn, biết nhiều hơn, trưởng thành sớm hơn, dậy thì sớm hơn... thế nên càng cần người giáo viên phải thấu hiểu, đồng hành và chủ động xử lý những biểu hiện không đúng của trẻ, thay vì chuyện gì cũng đẩy lại cho cha mẹ các em giải quyết.
>> 'Giáo viên sợ từ phụ huynh đến học sinh'
Trong khi tình hình dịch Covid-19 còn căng thẳng, chắc hẳn ai cũng đang trong trạng thái mệt mỏi, bởi vậy làm thế nào san sẻ bớt gánh nặng, áp lực với phụ huynh học sinh cũng là điều mà các giáo viên cần làm. Thời gian học sinh tiếp xúc với giáo viên mỗi ngày đôi khi còn nhiều hơn với cha mẹ, thế nên giáo viên với tư cách là người trực tiếp giảng dạy cho các em, rất cần làm gương để học trò noi theo. Nếu việc gì có thể giải quyết được thì người giáo viên nên chủ động xử lý trước khi nghĩ đến chuyện báo về cho gia đình.
Một giáo viên có tâm sẽ luôn tìm cách thấu hiểu các học sinh, đặt mình vào vị trí các em để hiểu hơn về mỗi đứa trẻ. Tôi tin, những giáo viên như vậy sẽ không gọi về cho phụ huynh học sinh mỗi khi gặp bất cứ tình huống nào dù là nhỏ nhất. Điều đó sẽ giúp vị thế của nhà giáo được tôn trọng hơn so với hiện tại.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội sẽ được chuyên môn hóa. Ngành giáo dục cũng là một ngành dịch vụ, muốn phát triển thì dịch vụ phải tốt, người làm dịch vụ giáo dục phải giỏi và tâm huyết. Lúc đó, người giáo viên sẽ làm tốt công việc dạy dỗ trẻ của mình, còn phụ huynh học sinh cũng sẽ yên tâm làm việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Mong rằng điều tích cực này sẽ được lan tỏa rộng khắp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.