Trước đây, tôi đã cho rằng: Dù có barem điểm nhưng vẫn không thể sát sao bằng khoa học nên môn Văn khó được điểm 10, tức là đạt được 10 phụ thuộc quá nhiều vào sự "hợp cạ" giữa văn phong của thí sinh và người chấm. Tôi xin được rút lại suy nghĩ này. Có hai vấn đề đã làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi:
Đầu tiên, nhiều người từng đề cập nguyên nhân vì sao khan hiếm điểm 10 môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có hiện tượng người chấm thi "run tay" khi cho điểm tuyệt đối trong môn ngữ văn vì "luôn có những sai sót, sơ suất" và "tuyệt đối với người này nhưng không là tuyệt đối với người khác" (1), cho nên giáo viên không chấm điểm 10 để giữ an toàn cho chính mình. Sau đó một quan chức giáo dục cho rằng "sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì thống nhất cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả".
Câu chuyện dừng lại ở đó. Nhưng câu hỏi đặt ra là, cái thứ "không có gì để chê" này lấy căn cứ từ đâu?
>> 'Học trò yêu hay ghét môn Văn đều do giáo viên'
Tôi liền tham khảo một ý kiến khác với nội dung: "Thi văn học vẹt dễ điểm cao do barem và cách chấm". Vấn đề ở đây đề cập tới việc giáo viên chấm bài đôi khi không thể cho học sinh điểm cao dù có nhiều ý rất thú vị vì bị kẹt trong đáp án chấm. Ngược lại, có những bài rất "thường" nhưng đủ ý, "trúng đáp án" vừa vặn barem điểm, trình bày sạch đẹp....v.v.... thì lại dễ được chấm điểm cao (2).
Từ vấn đề (1) và (2) chúng ta thấy gì?
Cá nhân tôi thấy, từ hai ý trên, ta có thể hiểu được điểm mười văn đang được tưởng tượng sai lệch bởi cả người chấm lẫn học sinh như thế nào.
Điểm 10 văn trong ý thứ nhất (1) có thể hiểu được là điểm 10 "hoàn hảo", tức là điểm 10 toàn vẹn, chính xác nhất, hay nhất có thể với đề đưa ra. Mà, cũng như người giáo viên chấm trong ý đó nói lên, việc khách quan hoàn toàn trong công tác chấm bài để đưa ra điểm 10 tuyệt đối là không thể, "tuyệt đối với người này nhưng không là tuyệt đối với người khác". Do vậy, ta có thể hiểu điểm 10 ở (1) là điểm 10 "utopia" (không tưởng).
Mà, như Paul Ricoeur nói, cái "lý tưởng" (ideal) và cái "không tưởng" (utopia) là một cặp biện chứng (dialectic). Nghĩa là, còn có cái lý tưởng về một bài văn hoàn hảo tức là còn cái "không tưởng" là điểm 10 treo lơ lửng như chùm nho của Tantalus. Dễ hiểu tại sao người chấm không dám hạ tay chấm 10, vì như vậy họ phải đạt đến cái "không tưởng" vốn không thể xảy ra khi chúng ta còn coi điểm 10 văn như một điểm 10 "không tưởng".
Quay trở lại với phát ngôn của vị quan chức giáo dục, ông lại cho rằng, điểm 10 văn hoàn toàn có thể đạt được, vậy điểm 10 văn này là điểm 10 gì?
Đó là điểm 10 văn theo cách suy nghĩ số (2), tức là điểm 10 văn theo barem. Ở đây, điểm 10 văn không còn là điểm "hoàn hảo" theo cách tính chủ quan của người chấm (hoặc toàn bộ phòng khảo thí) nữa, mà điểm 10 ở đây đơn giản chỉ là điểm "khá hơn 9,75".
Nghe thì nực cười, nhưng chúng ta có thể thấy từ ý này, ngay cả những bài văn bình thường hơn nhưng đủ ý thì vẫn có thể đạt điểm cao. Điểm 10 ở đây cũng vậy, nó chỉ là "kịch khung điểm cao" thôi chứ không phải điểm 10 không tưởng.
Hai điểm 10 này khác nhau như thế nào? Đơn giản mà nói, điểm 10 ở (1) là điểm 10 chủ quan, còn điểm 10 ở (2) là điểm 10 "khách quan".
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Ở đây, ta có thể viện dẫn đến "tính lý trí công nghệ" (technological rationality) của Herbert Marcuse. Trong thế giới hiện đại, chúng ta muốn thông tin hoá mọi thứ, sắp xếp mọi thứ vào đúng chuẩn, "lượng hoá" (quatify) mọi thứ, kể cả những thứ vô cùng chủ quan như sức lao động (trong các nhà máy, xí nghiệp), lượt yêu thích (trên các công cụ truyền thông) hay ở trường hợp này là sự "hay" của văn học.
Chúng ta có thể hiểu phát ngôn đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính lý trí công nghệ. Tức là, bài văn hay hiện nay là bài văn đúng ý, đủ ý, theo sát barem nhất có thể (và có thể thêm vài điểm trình bày). Chúng ta hướng đến điểm 10 văn như cách chúng ta hướng đến điểm 10 toán học hay hoá học: Nó phải đủ ý, đủ điều kiện và trả lời những câu hỏi chúng ta đề ra và mong muốn. Do đó, sự khác biệt giữa điểm 10 văn của (1) và (2) chính là điểm 10 văn của (2) hoàn toàn có thể đạt được, và nó đạt được khi học sinh viết đủ mọi ý đề ra chứ không phải viết một bài văn hay "không tưởng".
Tôi xin không bàn về tính đúng sai trong cách chấm này, hay việc chúng ta có thể đạt điểm 10 tuyệt đối hay không.
Chúng ta không thể mong chờ một bài văn 10 điểm của em học sinh kia phải là bài văn hoàn hảo của hoàn hảo, bài văn "không tưởng" (1). Vì ngay từ đầu, qua những diễn ngôn chức trách giáo dục và cách tiếp cận văn học hiện nay, họ đã không nhắm tới điều đó. Việc "lý trí hoá, thông tin hoá, lượng hoá" văn chương này sẽ có những lợi thế nhất định, như thể là xây dựng một bộ khung đồng đều cho việc chấm điểm học sinh, nhưng nó cũng sẽ tạo ra những việc đáng cười và đáng buồn nếu có.
Ngược lại, chúng ta cần hết sức nhìn nhận lại cách chúng ta nhìn nhận về điểm 10. Có sự hiểu nhầm, "ông nói gà bà nói vịt" của cộng đồng mạng xã hội lẫn Bộ Giáo dục. Có vẻ như mạng xã hội muốn một điểm 10 hoàn hảo, còn ngành Giáo dục cho rằng, điểm 10 là điểm đủ ý, cao hơn 9,75 là được.
>>'Thuý Kiều phải yếu đuối, Trạng Quỳnh luôn khôn ngoan'
Quan trọng là, chúng ta muốn gì? Những bài văn bay bổng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý như những bài điểm xuất sắc kiểu Trung Quốc, dù có thể hơi lệch đề một chút đi nữa; hay những bài văn nghiêm chỉnh chấp hành đúng và đủ những tiêu chuẩn Giáo dục đề ra? Mỗi phương pháp sẽ có cách nhìn và những ưu nhược rất khác nhau.
Vậy, điểm 10 văn, em là thực hay là mơ? Chúng ta hay nghĩ nó là mơ, nhưng người chấm lại cho nó có thể thành hiện thực. Thế nào mới là đúng? Văn học có thể chia mảng để phân tích khúc chiết từng ý từng câu và đánh giá một cách vô cùng khoa học vi tế được không? Mời các bạn chia sẻ ý kiến của mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Đinh Nguyễn