Lúc con còn nhỏ, mong mỏi của tôi là con mau lớn cho mình bớt vất vả. Nhưng tôi cũng từng nghe các phụ huynh có con lớn nói rằng: "Nhỏ có cái vất vả của nhỏ, lớn có cái vất vả khác, khó khăn hơn nhiều". Lúc đó, tôi không hiểu lắm. Rồi khi con tôi lớn, cái độ tuổi dậy thì thật khó tưởng tượng là có sự khác biệt nhiều đến thế.
Con vẫn là đứa trẻ ngoan, hoạt ngôn, biết nghe lời và luôn nói "vâng, dạ". Nhưng bao nhiêu trong số đó có thể thực hiện được như phụ huynh mong muốn thì chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng hiểu được. Con thường "vâng, dạ" để đó, thiếu tập trung và lơ đãng. Ở cái tuổi mà cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng thích (thích thể hiện, thích được thử, thích được mơ mộng...) nhưng lại không thích làm.
Tôi từng phải khóc vì bất lực trong việc dạy con. Có khoảng thời gian, mỗi ngày, mỗi lần phạm lỗi của con lại ở mỗi dạng "biến thể" khác nhau. Mỗi lần như vậy, tôi luôn cố gắng chia sẻ, kiềm chế bản thân để hiểu con, đồng hành cùng con, nhưng vẫn thất bại. Có những lỗi ngớ ngẩn, lặp lại đến mức tôi không thể tin sao con lại như thế? Rồi khi đã bất lực, stress quá, tôi nghĩ chắc mình phải tạm buông xuôi một thời gian xem sao.
>> Đứa trẻ ăn chơi thành chủ công ty tỷ USD
Nhưng không lẽ cứ để mặc kệ con như thế? Tôi lại đi tìm hiểu, cố gắng tìm kiếm đồng minh, học hỏi qua các kênh, chương trình giáo dục. Tôi nói với con: "Chắc mẹ đang phải đi học cách để cùng con trưởng thành". Một trong các phương pháp tôi học được đó là tạo ra các quy định, nguyên tắc trong gia đình, bao gồm cả việc của con và tất cả thành viên trong gia đình cần thực hiện hàng ngày.
Tôi cố gắng nói chuyện với con về các cảnh báo khi con không đạt được các thỏa thuận trong quy định, nguyên tắc. Đặc biệt, khi đã quy định với nhau rồi thì tuyệt đối không được thực hiện sai. Bước đầu, tôi đã thu được một số kết quả nhất định và hy vọng sẽ giúp con có phong độ ổn định.
Trẻ em bây giờ ham mê thiết bị điện tử (người lớn cũng vậy) nên tôi nhắm vào các việc mà con thích để tạo động lực cho con. Ví dụ, con phải hoàn thành tất cả công việc đặt ra trong ngày trước khi sử dụng các thiết bị điện tử. Hoặc con phải ưu tiên hoàn thành việc cần làm sớm thì sẽ có nhiều thời gian để tận hưởng, vui chơi và làm được nhiều hơn những việc mình thích. Bố mẹ cũng không có cớ gì can thiệp khi một đứa trẻ đã hoàn thành tốt mọi thứ rồi lại chỉ trích nó làm những việc mình thích.
- Con tôi chơi game, xem YouTube từ nhỏ vẫn đỗ trên đại học
- Những đứa trẻ 'con vua' trong quán cà phê
- Tôi bắt con học đủ thứ suốt ba tháng hè thay vì 'ôm' smartphone
- Tôi không cho con dùng smartphone trước 18 tuổi
- 'Con còn bé, đã biết gì đâu'
- 'Bắt con rửa bát, nấu cơm như một nghĩa vụ'