Tôi ủng hộ quan điểm "Trẻ nên bị cấm dùng mạng xã hội trước 18 tuổi". Xã hội và công nghệ đang phát triển quá nhanh, các thiết bị cá nhân và mạng xã hội dần trở thành những thứ mà nhiều người cho rằng nghiễm nhiên phải có và biết sử dụng. Do đó, nhiều phụ huynh cũng cho trẻ em tiếp xúc sớm với smartphone và các thiết bị công nghệ thông minh.
Các thế hệ trước chỉ dùng điện thoại cục gạch, thậm chí là không có điện thoại di động, nhưng vẫn có thể học và và làm việc bình thường, vẫn có thể phát triển được đó thôi. Vậy cớ sao phải cho trẻ em ngày nay tiếp cận với công nghệ từ quá sớm (từ 2-3 tuổi)? Trong khi cơ chế bảo vệ trẻ em hiện nay còn yếu, cách tốt nhất là không cho chúng sử dụng smartphone cho đến khi trưởng thành và được giáo dục đầy đủ để đối mặt được với mọi khía cạnh tốt - xấu của điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội.
Cái gọi là "thời đại công nghệ của smartphone và mạng xã hội" thực ra mới chỉ xuất hiện khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây mà thôi. Còn toàn bộ lịch sử loài người đã kéo dài hơn thế rất nhiều lần. Không có mấy thứ công nghệ hiện đại, con người chúng ta vẫn hoàn toàn sống ổn và phát triển đấy thôi.
Có một thực tế là hầu hết thời gian phụ huynh cho trẻ con dùng smartphone là để chúng giải trí (lướt mạng, chơi game), để dỗ dành và cho con ăn... Rất ít khi chúng thật sự dùng điện thoại thông minh để học tập. Kiến thức vẫn được lấy từ sách vở, nhà trường và từ thực tế cuộc sống là chính, chứ không phải từ mạng Internet.
>> Nuôi con bằng điện thoại, fastfood
Học sinh đến trường toàn thời gian đã như người đi làm rồi, kiến thức học tập cũng khá nhiều. Biết bao nhiêu năm nay, cuộc tranh luận về giảm tải chương trình giáo dục vẫn diễn ra sôi nổi trong xã hội, giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh, và cả chính Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nếu con bạn có khả năng học thêm nữa từ smartphone, và bạn có khả năng kiểm soát chúng để tránh được những mối nguy từ Internet thì tôi xin chúc mừng và bạn cứ việc cho con bạn dùng điện thoại thông minh mỗi ngày.
Còn tôi thì không và vẫn kiên định không để con dùng smartphone trước tuổi trường thành. Ngoài điện thoại thông minh ra, con tôi vẫn còn có máy tính, tivi, báo chí, sách vở để tiếp cận với thông tin toàn cầu nên chẳng có gì đáng lo ngại hay sợ con tụt hậu.
Tôi vẫn sống tốt trong thời đại số ngày nay, nhưng tôi tiết chế việc sử dụng đồ điện tử và mạng xã hội tối đa có thể, đặc biệt là với con cháu nhà mình. Vì tôi ý thức được, ngoài mặt tốt ra thì nó còn có rất nhiều mặt xấu, mà mình chỉ cần sơ hở thôi là có khi làm hỏng cả con cháu mình. Nếu bạn đọc báo và xem thời sự, thì đây không phải là mối nguy xa vời.Tôi không nói rằng phải sống thiếu thốn, quay về thời đồ đá mới là tốt nhưng tiếp cận công nghệ hiện đại ở mức nào, đến đâu thì cần phải cân nhắc và thận trọng.
Nhiều người cho rằng, cứ có cái smartphone trên tay là sẽ có thêm cơ hội để phát triển? Nhưng thực tế, chiếc điện thoại thông minh ấy chỉ giúp bạn kết nối với Internet, còn việc sử dụng nó thế nào cho có lợi lại là một câu chuyện khác, nằm ở chính khả năng lọc thông tin của mỗi người dùng. Trong khi đó, trẻ em lại là những đối tượng dễ bị tổn thương nên việc tiếp cận Internet sớm khi chưa đủ khả năng tự phòng vệ sẽ hại nhiều hơn lợi.
Cá nhân tôi vẫn có smartphone (dù không có nó thì cuộc sống của tôi vẫn thế). Nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào việc sử dụng nó thế nào cho an toàn, tiết chế, nhất là đối với trẻ em. Đừng nghĩ rằng chiếc smartphone như là chìa khóa vạn năng dẫn con người đến với tri thức. Bởi nếu không biết sử dụng chiếc chìa khóa đó, mở sai cánh cửa, thứ con bạn nhận lại sẽ chỉ là những độc hại và hệ quả khôn lường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Thế hệ 'cắm mặt' vào điện thoại
- Bốn lý do không nên cho học sinh dùng điện thoại trong lớp
- Xóa sổ 'thầy đọc - trò chép' trước khi cho học sinh dùng điện thoại
- Học sinh dùng điện thoại trong lớp - tận dụng hay lợi dụng?
- 'Không có lý do để cho học sinh mang điện thoại vào lớp'
- Không nên cấm học sinh mang điện thoại tới lớp