"Tưởng chừng chuyện dạy con tự làm việc nhà đơn giản vậy mà ba năm về Việt Nam, tôi quan sát thấy gần như các bậc cha mẹ ở ta đều đang dạy hư con cái của mình (kể cả ông bà). Rửa bát thì họ sợ con làm vỡ hoặc hư da tay. Nấu cơm thì chê con nấu nhão, nấu khô nên 'thôi để ba mẹ làm cho nhanh'... Nói chung, cha mẹ Việt có cả trăm lý do để rồi ngồi than thân trách phận.
Dạy con đâu có gì khó, con làm được mọi việc thì mình sẽ chẳng phải làm gì cả, chỉ việc chỉ tay năm ngón là nhà cửa đâu vào đó. Vậy sao nhiều người vẫn ngại dạy con? Ông bà nói 'dạy con từ tuổi lên 3', còn tôi thì dạy con từ khi chúng bắt đầu biết ăn. Khi ăn, con tôi phải ngồi trong bàn, trật tự, không ồn ào, không có chuyện cha mẹ bưng cái bát chạy theo con khắp nơi. Tất nhiên, vài lần đầu, khi con chưa quen nề nếp, tôi rất mệt, nhưng từ từ rồi đâu sẽ vào đó.
Khi con lớn hơn một chút, tôi giao cho mỗi đứa một việc: từ dọn dẹp nhà, vệ sinh nhà cửa đơn giản đến nấu nướng... Con tôi phải tự làm được hết những việc đó từ trước 8 tuổi. Đi kèm với đó, con cứ không đảm bảo việc gì thì sẽ bị phạt làm gấp đôi. Con rên rỉ hay cáu bẳn, tỏ thái độ, thì sẽ bị trừng phạt nặng hơn nữa. Vài lần như vậy, đến lúc tôi chỉ cần liếc nhìn một cái là con tự biết mà đi làm với thái độ vui vẻ, có khó chịu cũng phải cười".
Đó là quan điểm dạy con của độc giả Nguyenvuhoang. Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ luôn muốn chăm sóc con mình theo kiểu "nâng như nâng trứng", không muốn trẻ phải chịu khổ, đổ mồ hôi nước mắt vào bất cứ việc gì. Thê nên, trong nhiều gia đình, trẻ chỉ có hai nhiệm vụ chính là ăn và học, còn lại mọi công việc nhà đều được cha mẹ, ông bà làm cho hết. Việc dạy con làm việc nhà chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, nên nhiều bậc phụ huynh chọn cách nhanh hơn đó là làm thay con.
>> Tôi cho tiền để con tự giác đi tắm, đánh răng
Thế nhưng, thúc ép con làm việc nhà bằng mọi giá có hoàn toàn là một cách hay? Phản biện lại quan điểm dạy con trên, bạn đọc Hao lại có cái nhìn khác: "Hướng cho trẻ biết làm việc nhà là điều nên làm, nhưng cha mẹ cũng đừng để nó trở thành một áp lực hay làm sứt mẻ tình cảm với con cái. Điều đó cũng giống như nhiều khi bạn phải chấp nhận con cái mỗi đứa mỗi tính.
Ba mẹ tôi lúc nhỏ cũng rèn con cái rất kỹ. Tôi phải đi chợ, nấu cơm, giặt đồ cho cả nhà từ lớp 5-6... Tất nhiên, tôi có thể làm tốt tất cả công việc nhà trên, nhưng lúc nào cũng có tâm lý bị bắt làm chứ không thoải mái. Việc bị rèn từ nhỏ đối với tôi chỉ là áp lực, làm tốt là trách nhiệm, làm sai sẽ bị ăn mắng, chứ nó chẳng giúp được gì mấy cho tương lai của tôi sau này.
Vì những kỹ năng làm việc nhà ấy, tôi hoàn toàn có thể tự học bất cứ lúc nào nếu muốn. Thực tế, tính tôi bừa bãi, nhưng sau khi có nhà riêng, tôi vẫn chăm sóc bố mẹ, nhà cửa rất ngăn nắp, chu toàn. Thế nên, chủ yếu vẫn là sự quan tâm và ý thức trách nhiệm chứ không hẳn vì tôi thích việc nhà
Tóm lại, tôi cho rằng, mỗi người mỗi tính, mỗi động lực khác nhau. Con có khả năng sở thích khác với bố mẹ nên không thể bắt nó phải suy nghĩ và hành động giống người lớn được. Tôi nấu ăn, dọn dẹp tốt nhưng bản tính tôi không thích làm những chuyện đó hàng ngày, nhất là khi bị bắt buộc. Còn sau này có nhà riêng, muốn ba mẹ thoải mái nên tôi tự nguyện làm thôi. Nếu ở nhà thuê, sống một mình, chưa chắc tôi đã làm việc nhà nữa. Và điều đó có gì sai?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Dạy con làm việc nhà không đòi trả công
- Không cho con trai làm việc nhà vì sợ 'mất khí chất đàn ông'
- Tự hào 'kiếm tiền giỏi là không cần biết nấu ăn'
- Tự hào con 16 tuổi không biết làm việc nhà nhưng học giỏi
- Tôi trả tiền để con làm việc nhà