Đọc bài viết "Tôi chấp nhận thua lỗ khi cho con đi du học", tôi thấy nhiều bậc cha mẹ còn mang tư tưởng khá cứng nhắc khi đặt trách nhiệm quá lớn lên con cái mình. Trước đây, tôi có đọc một bài viết về một cô con gái nhà khá giả, luôn yêu thích phiêu lưu, tiệc tùng. Cô gái đã bỏ ra rất nhiều tiền để đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, dự nhiều bữa tiệc xa hoa, nhậu nhẹt suốt ngày, trải nghiệm đủ thứ.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ cô gái đó chỉ biết ăn chơi. Nhưng qua chính những năm tháng đó, cô gái ấy quen và biết thêm rất nhiều người bạn mới. Sau này, cô thành lập một công ty tư vấn du lịch và tổ chức tiệc có tiếng, được rất nhiều người trong giới nhà giàu tin tưởng.
Với những trải nghiệm của bản thân qua các bữa tiệc trước đây mà cô được đánh giá là sáng tạo trong việc tổ chức tiệc, nên được rất nhiều người yêu mến, hợp tác. Nhiều mối quan hệ bạn bè và người dân ở các vùng mà cô từng du lịch trước đây đã trở thành những người giúp sức cho công ty của cô sau này. Đến bây giờ, công ty của cô đã được định giá hàng tỷ USD.
Tôi cũng từng chứng kiến rất nhiều người vùi đầu vào học hành suốt ngày nhưng sau cùng vẫn cứ mãi lẹt đẹt vì khả năng chỉ đến vậy. Cũng có người thành công nhưng họ lại bị trầm cảm nặng và mất hết niềm vui sống. Có người hồi trẻ không chơi bời nhưng về sau vẫn sinh hư hỏng. Thế nên, sống không chỉ để tạo ra giá trị mà còn là để vui vẻ cho bản thân mình nữa.
Nếu cha mẹ quá cứng nhắc và có phần thúc ép con mình phải học hành nghiêm túc thái quá từ nhỏ sẽ là đi ngược lại nền giáo dục hiện đại của phương Tây - nơi người ta hướng đến phát triển tư duy, cảm xúc và trải nghiệm cho con trẻ.
>> Con tôi chơi game, xem YouTube từ nhỏ vẫn đỗ trên đại học
Đối với tôi, học hành không phải là sự đầu tư sinh lời hay lãi, được hay mất. Cuộc sống quan trọng nhất là sự vui tươi, là trải nghiệm, là suy nghĩ, học hỏi, gặp gỡ những con người thú vị mà từ đó ta học được ở họ được rất nhiều điều. Có những người mà ta gặp trong đời, tưởng chừng họ quê mùa, chưa đi ra ngoài bao giờ, nhưng ở họ ta lại học được những điều đáng quý. Còn có những người ta cứ nghĩ rằng họ rất hiểu biết nhưng cuối cùng lại có tầm nhìn hạn hẹp.
Với tôi, điều quan trọng nhất ngày hôm nay là xem con có vui vẻ với cuộc sống của mình không, có hài lòng với nó không, có bị ngột ngạt hay phải suy nghĩ nhiều gì không? Tôi thấy có những người đặt trách nhiệm nặng nề lên đôi vai bé nhỏ của con họ từ tấm bé. Chứng kiến các cháu mất hết tuổi thơ mà tôi thấy buồn. Con trẻ có quyền sai rồi sửa, vấp ngã rồi đứng lên và nhìn lại, chứ không phải bị ép để trở thành một khuôn mẫu hoàn hảo do cha mẹ hoặc ai đó đặt ra.
Cháu tôi (con của anh chị) ở quê phải làm đồng từ hồi cấp một, cấp hai. Tôi bảo với bố mẹ cháu rằng: "Trẻ nhỏ biết ăn, biết học là ngoan rồi, các cháu còn nhỏ thì làm việc nhỏ tùy theo sức của mình là được". Tôi không đồng tình khi anh chị bắt các cháu phải gánh vác trách nhiệm và suy nghĩ như người lớn, rồi tự hào vì chúng lớn trước tuổi. Nhìn các cháu buồn mà tôi thấy giận, các cháu đã mất hết tuổi thơ vì suy nghĩ sai lầm của cha mẹ.
- Con cháu nhà tôi học hành nhàn hạ nhưng chẳng ai dốt
- Hai giờ sáng học sinh của tôi vẫn hỏi bài
- 'Không hối hận vì hai năm cho con khổ luyện thi vào lớp 10'
- Những phụ huynh muốn con chơi nhiều, bớt học
- Con thích học Bách Khoa nhưng bố mẹ ép thi Sư Phạm
- 'Tôi thương học sinh phải đi học từ 6h30'