Cứ đến hè là hầu hết các gia đình xung quanh tôi đều nhức đầu với câu hỏi: trẻ con nghỉ hè, ai trông nó đây, làm gì cho hết thời gian này? Suốt từ 1/6, ai cũng mong ngóng đợi đến 5/9 để bố mẹ được "giải phóng", bởi kỳ nghỉ hè của con chính là quãng thời gian "cầm chân" bố mẹ, làm gì cũng không yên thân.
Ở nhà tôi, nếu quan niệm hè có nghĩa là "muốn làm gì tùy thích, ngủ lúc nào thì ngủ, ăn lúc nào thì ăn", vậy hẳn là con tôi không có nghỉ hè. Vì ba tháng hè con không ngừng học tập. Những năm tiểu học, hè là lúc con học và thực hành đi chợ, nấu ăn. Tất cả đều là những món cơ bản, đơn giản. Sau này có "nâng cấp" lên một vài món phức tạp hơn, song tiêu chí chung là đủ dinh dưỡng, chế biến nhanh, nguyên liệu dễ tìm.
Nhiều khi con tôi thắc mắc: "Sao nhà hàng xóm thì bà với mẹ nấu ăn, mà ở nhà mình con lại phải nấu?". Tôi nói với con rằng: "Lựa chọn thực phẩm, lên thực đơn và nấu ăn là kỹ năng sinh tồn cơ bản của mọi người trên thế giới này, kể cả những người giàu có, thành đạt. Và kỹ năng này có lợi cho con suốt cuộc đời con". Giờ thì con đã quen với việc bếp núc và luôn hào hứng tìm những công thức nấu ăn mới trên mạng để tự thực hành.
Chỉ đi chợ nấu ăn thì vẫn còn rất nhiều thời gian, tôi lại khuyến khích con đọc sách. Ban đầu, bằng việc thường xuyên đi nhà sách từ hồi mẫu giáo, tôi giúp con cảm thấy bị thu hút bởi những quyển sách in ấn đẹp đẽ, nhiều màu sắc, dù nội dung thì chưa hiểu. Dần dà, chúng tôi trở thành khách quen của những hội chợ sách, lễ hội sách... được tổ chức quanh năm. Mỗi lần đi là một lần chúng tôi khuân về cả bao tải sách giảm giá.
Loại sách chúng tôi mua nhiều nhất là sách văn học: ở trường chỉ dạy một tác phẩm, tôi nói với cháu hãy đọc cả tuyển tập để xem "tác giả ấy viết các truyện khác như thế nào?"; sách giáo khoa chỉ in một đoạn trích, tôi bảo con "hay là ngốn luôn cuốn tiểu thuyết xem kết cục nhân vật ấy ra sao?"...
Đọc xong, chúng tôi còn xem các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, một số vở kịch, tranh ảnh có liên quan đến tác phẩm... Ví dụ "Dế mèn phiêu lưu ký" trong mắt con tôi là một tác phẩm rất thú vị, và có vô số phiên bản chuyển thể. Cho dù đến cùng, con vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa của nó, và điểm môn Văn cũng chưa bao giờ cao. Nhưng bù lại, con có sự yêu thích và vốn hiểu biết nhất định.
Và trong quá trình này, con cũng thích lây cả điện ảnh, truyền hình... Tiện thể, tôi giới thiệu với con tất cả bộ phim kinh điển của Việt Nam và thế giới mà mình biết. Suốt cả mùa hè, chúng tôi cùng nhau "cày" rất nhiều phim lẻ, phim bộ, nhờ đó con có thêm một vài hiểu biết về lịch sử, địa lý, văn hóa, nhân sinh quan, thế giới quan, và cũng hiểu một vài đạo lý làm người.
Chúng tôi cũng thiên về lựa chọn một số lĩnh vực, đề tài mà tôi cho là vô cùng cần thiết nhưng ở trường được dạy quá ít, như: luật pháp, đạo đức kinh doanh, trí tuệ nhân tạo, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện đại... 18 năm qua, số sách con đã đọc, số phim cháu đã xem đều là những con số không nhỏ. Tôi cũng đề nghị con cho bạn bè mượn sách, giới thiệu phim ảnh cho nhau xem để chia sẻ sở thích.
Xem phim nhiều, con tôi thích nghe cả nhạc phim, và tự nuôi dưỡng dần tình yêu đối với âm nhạc. Ở nhà tôi, có hai âm thanh thường xuyên được bật lên, một là chương trình thời sự, hai là âm nhạc. Con được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, và cũng tự chọn lấy cho mình một số thể loại ưa thích. Tôi khuyến khích con nghe thật nhiều, tìm hiểu thật sâu, biết đâu sẽ có thần tượng của riêng mình.
Năm lớp 6, quả thật con thích đến mức thần tượng một ca sĩ nước ngoài nọ, và nói muốn đi học ngoại ngữ đó để hiểu họ hát cái gì? Tất nhiên là tôi đồng ý ngay, vậy là con có thêm ngoại ngữ thứ hai, ngoài tiếng Anh là môn học chính thức ở trường. Hết lớp 11 (hè năm 2023), con lại thần tượng thêm một ca sĩ nước ngoài khác, và lại muốn học ngôn ngữ của người đó, vậy là con có ngoại ngữ thứ ba. Chỉ sau bốn tháng học nghiêm túc, con đã đạt được trình độ miễn thi tốt nghiệp THPT đối với ngoại ngữ đó theo quy định của Bộ GD&ĐT và năm nay cũng không phải thi môn ngoại ngữ.
Con vừa kết thúc 12 năm phổ thông với một vài kiến thức về ba ngoại ngữ khác nhau, là số vốn nhất định để con bước vào đời. Chúng tôi không cần con phải giỏi giang hơn người, chỉ cần tiến bộ hơn bản thân con của tháng trước, năm trước, thế là đủ. Hiện tại, con cực kỳ phấn khích khi nghe nhạc, xem phim của những quốc gia đó và hiểu được tác phẩm đó nói gì, giao tiếp với người nước ngoài mà không hề tự ti.
Tôi nói với con rằng, còn một số mùa hè trước mặt với rất nhiều thời gian, tiếp tục học ngoại ngữ là một lựa chọn tốt và không đắt tiền. Mỗi buổi học của con chỉ có giá bằng hai bát phở, mà tri thức thì hữu ích suốt cả cuộc đời. Ngoài ngoại ngữ, hè nào con cũng muốn học một cái gì đó, như: bơi, nhảy, đàn... Tất cả tôi đều khuyến khích, không cần con phát triển thành tài, không cần khoe khoang với bất kỳ ai, chỉ cần cuộc sống của con có thêm kỹ năng và tràn đầy màu sắc là được.
>> Tôi không cho con dùng smartphone trước 18 tuổi
Tất nhiên, trước khi đến với những quyết định đó, con cũng học được cách cân nhắc. Muốn đi học, muốn mua bán, muốn sắm sửa một cái gì, tôi đều hướng dẫn con lập bảng so sánh "ba báo giá". Đó là một khái niệm quen thuộc đối với nhiều người làm công ăn lương, trong đó chúng ta phải tìm được ít nhất ba nhà cung cấp, so sánh các tiêu chí để công ty có thể lựa chọn phương án tốt nhất.
Thực ra các bạn nhỏ hiện nay đều thành thạo làm "ba báo giá", thậm chí là "ba mươi báo giá", chỉ bằng việc lướt các shop trên một trang thương mại điện tử bất kỳ. Điều tôi hướng dẫn con, chỉ là lập ra một văn bản trên Word, Excel hoặc Powerpoint, để có thể diễn giải thông tin cần thiết cho những người tham gia vào quyết định mua sắm. Đây là một kỹ năng mà con cần dùng trong suốt quá trình đi làm, cùng với tin học văn phòng là công cụ không thể thiếu.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của bản thân con, tôi để con tham gia vào các quyết định mua sắm đối với hầu hết các vật dụng trong nhà. Ví dụ, khi máy giặt hỏng, tôi đề nghị con tìm hiểu xem nên mua máy giặt loại gì, lồng đứng hay lồng ngang, hãng nào, bán ở đâu, điều kiện lắp đặt và bảo hành ra sao, tính năng có gì khác so với loại cũ...? Nghĩa là con sẽ cần học cách đưa ra một quyết định dựa trên nhiều tiêu chí chứ không chỉ nhìn vào giá cả hoặc thương hiệu. Một ngày nào đó, con sẽ trở thành chủ gia đình, và kỹ năng này là tối quan trọng, mà ở các tiết học ở trường lại rất hiếm khi giảng dạy.
Hè đến, cũng như bao gia đình khác, chúng tôi đi du lịch. Mỗi chuyến đi, chúng tôi lên kế hoạch trước từ 3-6 tháng. Bắt đầu bằng việc chúng tôi ngồi trước một cái bản đồ, tôi hỏi con muốn đi đâu? Sau đó, con sẽ cần tìm hiểu đủ thông tin để thuyết phục bố mẹ vì sao muốn đến nơi đó? Sau đó, tự con sẽ lập một kế hoạch đầy đủ của cả chuyến đi: ngày nào sẽ đến địa điểm nào, đi bằng phương tiện gì, địa điểm đó mở cửa từ mấy giờ đến mấy giờ, giá vé bao nhiêu, có giảm giá cho học sinh hay không...
Nếu là đi nước ngoài, con sẽ tìm hiểu xem có cần xin visa hay không, rồi con tự lập hồ sơ, tìm địa chỉ đại sứ quán và làm các thủ tục cần thiết. Nhờ đó, con hiểu được sự cần thiết của kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch, thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin và đưa ra các quyết định.
Bạn bè xung quanh hay gọi những chuyến đi tự túc của chúng tôi là "đi hành xác", vì chúng tôi sẽ tự làm hết mọi việc: mua vé, đặt phòng homestay, bắt phương tiện công cộng, đến nơi thì tự tìm các chợ địa phương, mua thực phẩm về tự nấu ăn... Với nhiều người, đó là một việc cực khổ vì đi chơi mà vẫn phải tự làm mọi thứ, thay vì thế nếu đi tour thì dễ dàng bao nhiêu.
Với chúng tôi, đó là một quá trình vừa học tập vừa hưởng thụ. Con tự giao tiếp với những người dân ở địa phương đó, bao gồm cả cảnh sát, nhân viên an ninh khi phát sinh các sự cố ngoài ý muốn. Sau mỗi chuyến đi, con lại viết những bài "thu hoạch" để gửi thông tin đến những người xung quanh đang muốn đi tới nơi đó, bởi kiến thức nếu được chia sẻ rộng rãi sẽ hữu ích hơn rất nhiều so với khi chỉ thuộc về một người.
Sức lực đâu để con tôi làm tất cả việc đó? Chủ yếu là nhờ việc ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc và chơi thể thao liên tục từ cấp một cho đến nay. Trong năm học cũng như trong kỳ nghỉ hè, kể cả mấy năm dịch Covid-19, con vẫn không ngừng tập luyện. Tôi có nói với con rằng "khỏe thì làm gì cũng được, con không khỏe thì thông minh đến mấy, giàu có đến mấy cũng không thể vui vẻ, hạnh phúc".
Cơ thể chính là người bạn thân nhất của con, người duy nhất đi cùng con từ lúc sinh ra cho đến mãi mãi về sau. Vì thế, học các môn thể thao và tập luyện thường xuyên, giữ cho cơ thể và tinh thần khỏe mạnh là quyền và trách nhiệm của con từ giờ đến cuối đời. Thực tế, con khá thích thể thao, càng những lúc học tập ôn thi căng thẳng con lại càng muốn chơi thể thao nhiều để giải tỏa áp lực.
Rất nhiều hoạt động như vậy, nên những ngày hè của con trôi qua trong nháy mắt, không có lúc nào để buồn chán. Nếu hỏi con có thích mùa hè như thế không? Câu trả lời hẳn sẽ là "không". Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, con chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, và một cái điều hòa, là có thể vui vẻ sống bốn mùa trong bốn bức tường ngày qua ngày. Nhưng cuộc đời là một khóa học rất dài, càng học được nhiều thì cuộc đời càng có cơ hội trở nên rực rỡ và đáng sống. Thế nên, tôi không cho con chọn cách dễ dàng và con tôi cũng hiểu điều đó.
- Bố nghiện đọc, con chê sách
- Nuôi con bằng điện thoại, fastfood
- Thế hệ 'cắm mặt' vào điện thoại
- Phụ huynh loay hoay hạn chế con xem TikTok
- Ba lý do khiến trẻ dễ nghiện video nhảm
- Trẻ xem Youtube - từ 'ngồi ngoan' đến video nhảm