Không đồng tình với ý kiến của tác giả bài viết "Sếp từ chối tăng lương vì tôi là nhân viên mới", độc giả Iris bày tỏ quan điểm cho rằng đòi hỏi tăng lương không thể dễ dàng đáp ứng:
"Tôi không biết bạn giỏi đến đâu, ngày xưa và hiện tại, bạn không nói rõ thời gian bạn đã làm được bao lâu tính đến ngày bạn "đòi" tăng lương nên khó nhận xét. Nhưng cứ hễ làm được một điều gì đó hay ho cho công ty là cứ phải bắt được tăng lương sao? Vậy thì văn hóa danh nghiệp, công bằng với các nhân viên khác còn đâu?
Bạn có chắc người khác không giỏi hơn bạn, có hiểu được khó khắn của việc họ đang làm khác với bạn? Đâu thể mọi thứ đem đi so sánh sòng phẳng được, lấy ưu và nỗ lực của bạn trong một mảng đem so với hạn chế của người khác trong mảng đó, liệu có công bằng? Chưa tính đến cơ hội của mỗi người là khác nhau.
Bạn đòi tăng lương không được mà xin nghỉ ngay và luôn cũng không nên. Công ty nuôi bạn giai đoạn đầu, mới vừa gặt hái thành quả chưa bao lâu, chắc gì giá trị và đóng góp của bạn tính đến lúc đó đã hoàn vốn cho công ty? Tuy nhiên, tôi vẫn có đồng ý với một số quan điểm rằng việc trọng dụng và công nhận thành quả, nhân tài còn chưa công bằng vì tôi cũng từng bị như thế".
>> 'Sếp trả lương bất công - người tài có tâm đến mấy cũng bỏ việc'
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thuỷ nhấn mạnh việc tăng lương cần có quá trình đủ để đánh giá chứ không thể vì một thành quả nhất thời:
"Tôi cũng là một người làm về công tác nhân sự đã 12 năm qua. Trải qua bốn tập đoàn trong top 50 công ty lớn nhất Việt Nam, tôi thấy thế này:
1. Việc bạn học được những kiến thức mới là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu muốn được tăng lương, bạn phải biến kiến thức đó thành kết quả và cần có một khoảng thời gian để ghi nhận.
2. Thường với các tập đoàn lớn, việc tăng lương không thể thích là làm được và những cá nhân như bạn cũng không thiếu.
3. Đã là các ông chủ thì họ luôn biết cách dùng đồng tiền của mình thế nào cho hợp lý? Có thể việc bạn nghĩ là mình quan trọng nhưng ông chủ lại không nghĩ như vậy.
4. Nơi cần bạn xử lý việc gấp cói thể sẽ chấp nhận trả bạn mức lương khác xa thị trường nhưng thường là không bền".
>> Tôi bỏ việc lương 17 triệu đồng vì bị sếp đối xử bất công
Đánh giá vấn đề này, độc giả Tôi là người Việt Nam nhận định việc nâng lương đột biến cho một nhân viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và các nhân viên khác:
"Bạn trách công ty không đánh giá đúng năng lực của nhân viên nên không tăng lương, như vậy có chủ quan quá không? Vậy với công ty hiện tại thì sao? Họ trả cho bạn mức lương đúng kỳ vọng, vậy có nghĩa là họ đã nhìn nhận đúng năng lực của bạn? Vấn đề là tại sao công ty cũ không nâng lương cho bạn? Sẽ có nhiều lý do. Tôi đoán là do mảng bạn làm thiên về quản lý nhân sự, mà mảng kiếm ra lợi nhuận cho công ty là mảng khác, ví dụ mảng kỹ thuật hoặc kinh doanh...
Trong trường hợp này công ty sẽ ít xét tăng lương cho bạn chỉ vì trong ngắn hạn bạn đã nỗ lực hoàn thành một chỉ tiêu nào đó (ví dụ học VBA ứng dụng trong excel). Nguyên tắc muốn hưởng lương cao thì phải thoả thuận ngay từ lúc ký hợp đồng. Còn khi đã vào công ty, muốn tăng lương bạn phải theo lộ trình. Trừ khi bạn thật sự xuất sắc và ảnh hưởng đến doanh thu của công ty thì người ta mới tăng lương đột biến. Việc nâng lương đột biến cho một nhân viên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên khác rất nhiều. Nên doanh nghiệp càng cân nhắc hạn chế tối đa việc này.
Vậy nên, khi người lao động và doanh nghiệp không thống nhất chuyện lương bổng thì chia tay thôi. Hãy thử thách ở một công ty khác, và bạn đã thành công. Câu chuyện sẽ chấm dứt ở đây và công bằng cho cả hai bên. Còn khi doanh nghiệp cũ chê nhân viên không trung thành hoặc nhân viên chê công ty cũ không nhìn nhận đúng năng lực của mình là chuyện không nên. Tóm lại, hãy vận hành theo cơ chế cung cầu. Anh cung vào đúng chỗ cầu thì anh thành công".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.