Thứ ba, 14/5/2024
Thứ tư, 4/7/2018, 17:00 (GMT+7)

8 năm khôi phục thương hiệu gạo Tài Nguyên đặc sản

Người dân Sóc Trăng mất 3 năm phục tráng, 3 năm mở rộng diện tích thuần chủng, 2 năm xây dựng nhãn hiệu cho gạo Tài Nguyên thơm ngon. 

Sau giải phóng, lúa Tài Nguyên được trồng ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), năng suất trung bình 7-8 tấn/ha, trồng vào vụ Đông Xuân. Lúa chịu được phèn, mặn, đạo ôn, rầy nâu, cho gạo ngon. Tài Nguyên đục (còn gọi Tài Nguyên sữa) là giống lúa mùa đặc sản, gạo hạt nhỏ, có gan đục, giá cao hơn gạo Tài Nguyên thường. 

Gạo ngon, lúa chịu được phèn, mặn nên người dân vẫn giữ giống để trồng. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng lạm dụng chất ức chế sinh trưởng bonsai để giảm chiều cao cây, tăng năng suất khiến chất lượng hạt gạo sa sút.  

polyad

Gạo Tài nguyên đi thi chất lượng. Ảnh: Bizmedia

Trước thực trạng đó, giai đoạn 2009-2012, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai đề tài “Nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất giống lúa mùa đặc sản Tài Nguyên đục cho tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu”. Đề tài thuộc Dự án Khoa học Công nghệ Nông nghiệp - vốn vay ADB, do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư.

Kết quả nghiên cứu đã phục tráng được giống lúa Tài Nguyên đục và xây dựng được quy trình canh tác phù hợp không sử dụng chất Bonsai, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng của giống lúa.  

Sau 3 năm, 45 dòng lúa Tài Nguyên được Viện lúa chuyển giao cho huyện Thạnh Trị. Nông dân tiếp tục sản xuất, giữ gìn và sản xuất giống các cấp tại địa phương.    

polyad

Canh tác lúa Tài nguyên trên cánh đồng mẫu lớn. 

Những năm tiếp theo, Huyện Thạnh Trị triển khai đề án nhân giống lúa Tài Nguyên thuần chủng và phát triển sản xuất lúa đặc sản gắn với xây dựng cánh đồng mẫu giai đoạn 2012-2015. Giống thuần chủng được đưa vào sản xuất trên diện rộng, thay thế dần giống lúa Tài Nguyên mùa cũ đang có biểu hiện thoái hóa.      

Nhờ đó, các mô hình cánh đồng mẫu lớn ra đời, sản xuất tập trung, đảm bảo tiến độ thời vụ, tăng năng suất và sức cạnh tranh của giống lúa hàng hóa. Nhân dân được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn tự chế tại chỗ phân bón và các chế phẩm vi sinh nguồn gốc hữu cơ cho lúa. 

Năm 2014, UBND huyện Thạnh Trị phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sóc Trăng thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị”. Dự án nhằm khảo sát và quy hoạch vùng đất sản xuất, lưu giữ và bảo tồn giống lúa gốc.  

polyad

Gạo Tài nguyên Thạnh Trị được chứng nhận nhãn hiệu. Ảnh: Bizmedia

Tháng 3/2017, Gạo Tài nguyên Thạnh Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng (thị trấn Hưng Lợi) được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới nhiều thị trường. 

Đến nay, giống lúa Tài Nguyên Thạnh Trị đang được trồng trên 6.500 ha mỗi năm theo quy trình cánh đồng lớn. Cung cấp cho thị trường khoảng 45.500 tấn mỗi năm và được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm.  

Kế hoạch phát triển lúa Tài Nguyên đặc sản Thạnh Trị đến năm 2020 là giữ diện tích trồng 6.500 - 7.000 ha và đảm bảo toàn bộ diện tích lúa sẽ ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. 

Vũ Đậu

Chia sẻ bài viết qua email