250 ha cam Khe Mây trồng theo phương pháp sinh học
Nông dân tận dụng chế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây, tự làm bẫy dính hoặc dùng thảo dược diệt sâu bệnh hại cây...
Từ lâu, cam đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho nông dân vùng núi Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Thương hiệu cam Khe Mây được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ tép quả mọng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng.
Theo ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Tĩnh, các loại cam chủ yếu được trồng phổ biến ở Khe Mây gồm cam Xã Đoài, Cao Phong và V2. Cam chín rộ trong khoảng 2 tháng, từ trung tuần tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm. Những năm gần đây, một số nông trại trong vùng bắt đầu điều chỉnh cây ra hoa muộn để thu hoạch cam chín rải vụ.
Đồi cam Khe Mây 250 ha tại Hà Tĩnh
Cây cam hợp với chất đất sét pha cát, sỏi ở Khe Mây nên phát triển tốt, cho sản lượng 2.000-3.000 tấn quả mỗi năm. Bên cạnh đó, thời tiết mát mẻ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng. Để giữ vững thương hiệu, nông dân nơi đây chủ động chăm sóc vườn cam nguyên liệu theo hướng sinh học nhằm đạt được tiêu chuẩn cam VietGAP an toàn và chất lượng.
Tại nhiều đồi cam, nông dân tự ươm giống cây trồng hoặc nhập từ các cơ sở uy tín. Muốn cam cho quả ngọt, nước sạch cung cấp cho vườn phải đủ, tỉa cành và chăm sóc kỳ công. Nông dân tận dụng các chế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây. Để giữ ẩm cho gốc, vỏ lạc được rải đều vào các gốc cây, đợi hoai mục trở thành phân bón hữu cơ.
Người trồng cũng sáng tạo cách diệt các loại côn trùng, sâu bệnh hại cây bằng bẫy dính hoặc thuốc trừ sâu sinh học, nguồn gốc thảo mộc như tỏi, gừng, ớt…
Khi cam chín, công đoạn thu hoạch yêu cầu nông dân khắp vùng Khe Mây khẩn trương thu hoạch. Nếu để lâu trên cây, thu hái chậm, cam chín sẽ xốp, héo nửa phần cuống, ảnh hưởng tới chất lượng quả và giá thành. Ngoài nội tỉnh, thị trường tiêu thụ của giống cam này mới chỉ mở rộng ra Hà Nội và một số vùng phụ cận.
Vũ Đậu