Tiểu rát buốt, tiểu gấp, đau khi đi tiểu là triệu chứng đặc trưng của viêm đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy đau thắt và áp lực tại bàng quang hoặc gần xương mu, khó chịu vùng hạ vị và bụng dưới, uể oải, sốt, ớn lạnh, thường xuyên tiểu về đêm...
TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến máu và những cơ quan khác, thậm chí là dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám nếu cơn đau trở nên dữ dội; đau quặn háng hoặc dạ dày; buồn tiểu nhưng không tiểu được hoặc đi tiểu nhiều lần trong ngày; nước tiểu đục, có mùi hôi, có lẫn máu; đau lan đến lưng và buồn nôn, mất ngủ, sốt cao...
Viêm đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục là bệnh lý vô cùng phổ biến, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Để phòng tránh và giảm nguy cơ tái phát bệnh lý này, người bệnh cần lưu ý:
Giữ vệ sinh đúng cách. Trước và sau khi quan hệ tình dục, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ nhằm phòng tránh sự lây lan vi khuẩn cho bạn tình. Khi đi vệ sinh, nên vệ sinh nhẹ nhàng vùng kín, tránh thụt rửa quá sâu và mạnh; khi đại tiện, nên tạo thói quen lau từ trước ra sau để hạn chế nguy cơ vi khuẩn di chuyển từ trực tràng đến hậu môn. Trong thời gian hành kinh, cần thường xuyên thay băng vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và phát triển.
Tránh nhịn tiểu vì khi nhịn tiểu, nước tiểu sẽ bị ngưng đọng, các chất cặn bã tích tụ lại tại bàng quang, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn E.coli sinh sôi. Từ đó tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu và gây ảnh hưởng xấu cho thận.
Dinh dưỡng hàng ngày nên tăng cường rau xanh và trái cây vì những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, probiotic tốt cho cơ thể, có tác dụng tăng cường đề kháng. Hạn chế những món ăn cay nóng, chế biến nhiều dầu mỡ. Uống nhiều nước để giúp cơ thể đào thải vi khuẩn, chất cặn bã.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu, cần đảm bảo thực hiện an toàn tình dục, quan hệ 1-1 nhằm hạn chế các bệnh qua đường tình dục. Người bệnh không nên quan hệ tình dục khi đang điều trị viêm đường tiết niệu; tránh mặc quần bó sát vì sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình chữa bệnh. Cần thăm khám ngay khi phát hiện bất thường trong thói quen đi tiểu.
Với những trường hợp viêm đường tiết niệu nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp điều trị tại nhà như giã nhuyễn lá trầu không và hòa cùng nước ấm, dùng hỗn hợp này vệ sinh âm đạo. Lá trầu không có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đun nước râu ngô và uống mỗi ngày thay cho nước lọc. Những dưỡng chất trong râu ngô có tác dụng thanh lọc và loại bỏ chất thải trong cơ thể rất tốt.
Sau khi xác định người bệnh mắc bệnh lý viêm đường tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn nguy cơ tái phát. Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh trong khoảng một tuần. Nếu các triệu chứng nặng hơn, thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài đến khoảng 10-14 ngày. Một số trường hợp viêm nhiễm tiết niệu kèm các triệu chứng sốt cao, buồn nôn sẽ được yêu cầu nhập viện để chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Phi Hồng