Mùa dịch, tôi thấy nhiều người kêu than về việc tiền tiết kiệm không đủ xài trong một vài tháng. Những người này bình thường có công ăn, việc làm, lương cũng ổn nhưng tiền về tháng nào, xào hết tháng đó.
Tôi không có ý nhắc đến những trường hợp bệnh tật, lao động nghèo chật vật. Vậy trừ đi những người này thì số còn lại có phần đáng trách.
Có lẽ sống quá lâu trong cảnh êm ấm, ăn nên làm ra đều đều, nên nhiều người trẻ tuổi thường ít có thói quen tiết kiệm, dù ít hay nhiều. Rồi dạo gần đây, lại thấy những trường hợp trên dưới ba mươi tuổi về hưu sớm. Tôi thấy sao lạ quá, tuổi ba mươi là tuổi tràn đầy năng lượng, chưa chi đã vội tính chuyện về hưu. Rồi sống nhàn nhạt như vậy tận mấy chục năm nữa?
Khi nói đến chủ đề tiết kiệm và lao động, tôi lại nhớ đến bà nội tôi, một người phụ nữ quê, chưa hề học qua khoá quản lý tài chính nào, lại có thể cáng đáng gia đình cả chục người con lúc trẻ.
Lúc về già, con cháu mong muốn bà nghỉ ngơi, chu cấp và cho tiền. Nhưng hàng ngày bà vẫn xới đất, sạ rau, gieo cải... Mỗi buổi sáng bà chất đầy hai giỏ rau, buồng chuối, vài trái bắp, thỉnh thoảng có thêm đôi gà, vịt mang ra chợ ngồi bán.
Tiền con cháu cho mỗi tháng bà để khoản riêng, tiền bán rau, gà vịt cũng được bà để khoản riêng. Dù ở với con cháu nhưng bà vẫn làm việc và tiền để riêng, muốn mua gì, ăn gì nếu không tự đi mua được thì bà mới nhờ đến con cháu. Thậm chí, nếu cháu trai, cháu gái đứa nào cưới hỏi, lập gia đình đều được quà của bà.
Điều bất ngờ nhất trong một lúc về thăm, bà hỏi cửa hàng nhỏ mới khai trương của tôi trên thành phố có ổn không, nếu không ổn bà cho mượn vốn. Rồi bà lục tìm cái túi thắt, bên trong là vàng nhẫn, tôi đếm được là 18 chỉ cả thảy.
Tôi hỏi bà làm sao có, bà trả lời rằng tiền bán rau, tiền được cho, bà không xài hết mà để dành. Lâu lâu mua vàng để đó. Tôi nói mình vẫn ổn, xoay xở được thì bà bảo có khó khăn thì bà cho mượn chứ không cho luôn, vàng này là để dành làm ma chay khi bà mất. Tôi nói bà lo xa quá, cứ ăn uống, nghỉ ngơi cho thoải mái đi, có gì xảy ra thì con cháu sẽ lo hết, bà không phải hà tiện, làm lụng như thế.
Nhiều lúc nhớ đến túi vàng của bà nội tôi mua bằng không ít tiền bán rau, bán gà, tôi lại không cho phép mình than khổ hay quên đi sự tiết kiệm. Bởi vậy trong giai đoạn này, tuy có khó khăn, nhưng gia đình tôi vẫn ổn, không phải lo lắng tiền bạc hay mượn nợ nần gì ai.
Cuộc sống, là những bài toán rủi ro cần phải giải. Với người già, như bà nội tôi thì giải bằng tích góp, bán rau, bán gà rồi mua vàng để dành, lúc lành thì cho con cháu mượn giải quyết khó khăn, lúc ốm đau thì mua thuốc. Vậy người trẻ tuổi vừa có nhiều con đường, nhiều lựa chọn và cơ hội mà để túng thiếu hay kêu than không có tiền tiết kiệm là rất đáng trách.
Khánh Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.