Người Việt ta hay có câu hên xui hay may rủi, nay xin mạn phép bàn về rủi ro. Rủi ro là gì? Rủi ro là hiện tượng hay sự kiện xảy ra bất ngờ, có tầm và phạm vi ảnh hưởng lớn hoặc nhỏ gây ra những xáo trộn hoặc thiệt hại nhất định tới một hay nhiều đối tượng cụ thể.
Điển hình nhất là đại dịch Covid-19 hiện tại, hay như bão lũ, dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng, rủi ro mất sức lao động hoặc thu nhập. Những tác động của rủi ro lớn và hiện hữu. Như trong đại dịch Covid-19 đợt này, hàng ngày rất nhiều thông tin về những gia đình, những mảnh đời chạy vạy để có bữa ăn, thậm chí sống nhờ lòng hảo tâm của những mạnh thường quân.
Lớn hơn là các công ty, doanh nghiệp đóng cửa với số lượng lớn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục có sự gia tăng, với 51.496 doanh nghiệp, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
>> Bán nhà sau hai năm để trả dứt nợ vì Covid-19
Một trải nghiệm qua quan sát. Đầu những năm 1990, khi tôi đang học đại học ở Thủ Đức (khu Đại học Quốc gia bây giờ), chú hàng xóm làm kế toán trưởng, chạy xe Dream lùn, nuôi cả gia đình gồm mẹ vợ, vợ và ba con. Cả nhà vợ chỉ ở nhà, hát karaoke, xem TV. Không may một tối chú đi nhậu, té xe và chấn thương đầu, nằm liệt giường vài năm và mất sức lao động. Từ đó, gia đình khánh kiệt, rất khổ nhất là mấy đứa trẻ.
Trường hợp này làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Nếu người vợ có việc làm, có thu nhập thì chí ít cũng lo được cho bản thân, con cái, gia đình không bần cùng. Nếu hàng tháng ta không chi tiêu tới những đồng cuối cùng, nếu ta hạn chế lạm dụng thẻ tín dụng trong việc mua sắm trải nghiệm, nếu ta có nhiều hơn một khoản thu nhập từ chồng, vợ, tài sản cho thuê, lãi suất tiết kiệm, đầu tư thì bây giờ trong làn sóng Covid-19 ta đã bớt khổ.
Nhưng lại có ý kiến phản biện, cứ vui đi khi cuộc đời cho phép, thực ra là không sai. Đây là quan hệ "nhân quả". Vui chơi xả láng trước mắt khi còn trẻ làm chúng ta mất cơ hội tích lũy cho tương lai.
Hay như đầu tư làm ăn, ta luôn nghĩ cách nhân số lần tài sản của mình lên. Vậy trường hợp không thuận lợi chúng ta thoái bằng cách nào? Đánh tất tay theo kiểu đếm cua trong hang sẽ rủi ra vô cùng, nhất là chúng ta còn gia đình, mẹ già, con nhỏ.
>> Cơn đau đầu của người mua nhà trả góp mùa Covid-19
Lại có lập luận là nhiều thứ không thể tránh khỏi, hoàn toàn đúng. Nhưng lại có vô số cái chúng ta hoàn toàn có thể tránh được nếu có phương án chuẩn bị và dự phòng. Tập trung vào cái có thể làm được thay vì phó mặc cho số phận và hoàn cảnh. Trong cùng một hoàn cảnh, nguời có chuẩn bị và dự phòng sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn nhiều so với người không chuẩn bị.
Cuối cùng, hãy bắt tay vào hành động. Chúng ta sẽ học hỏi, phát triển từ sai lầm của chính mình và những người xung quanh mình. Khi ta tính toán sai lầm dẫn đến thất bại, lý do vì sao? Bài học gì chúng ta học được làm tiền đề cho thành công sau này. Người thất bại hết lần này qua lần khác thì chỉ có thể trách chính mình. Nếu không thay đổi cách nghĩ cách làm thì kết kết quả lần sau cũng giống lần trước.
Phạm Bá Hưng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.