"Phần lớn nghèo là do tư duy không phải do hoàn cảnh. Nhiều tấm gương đã chứng minh điều đó. Có những người lính trở về với hai bàn tay trắng thương tật đầy mình, nhưng vì được rèn luyện trong chiến tranh nên họ không đầu hàng số phận. Nhờ chăm chỉ lao động và tìm tòi sáng tạo họ đã không còn nghèo và có người còn trở thành ông chủ, có người còn là tỷ phú. Vậy thì ngày nay, thuận lợi hơn nhiều tại sao nhiều người vẫn than nghèo kể khổ?
Có một số người có điều kiện đi học nhưng không chịu học, làm việc khó là bỏ, có đất đai nhưng không làm vì sợ vất vả. Họ chỉ muốn vào thành phố làm tự do nhưng toàn ăn quán, tụ tập nhậu nhẹt nên ráo mồ hôi là hết tiền.
Còn có những người vào thành phố làm nhưng có kế hoạch cho tương lai ở quê nên họ thành công. Ví dụ một gia đình ở Vĩnh Long làm thợ hồ cho một công trình gần nhà tôi. Hai vợ chồng và một đứa con trai làm cùng nhau, thu nhập của ba người một ngày là một triệu đồng, chi tiêu một ngày là 200.000 đồng cả nhà. Họ đi theo công trình nên không phải thuê nhà trọ. Cô vợ cho biết mỗi tháng tiết kiệm được 20 triệu. Một năm, họ theo công trình được 6-7 tháng cũng được hơn trăm triệu.
Những tháng nhàn rỗi họ về quê trồng cây, nuôi cá thời vụ. Khi nào có công trình họ lại lên thành phố. Mười năm qua họ đã tiết kiệm được hơn một tỷ xây nhà, mua đất ở quê trồng cây ăn trái. Sau này không còn sức khoẻ, họ về quê có đất đai dưỡng già không còn phải lo lắng nữa".
Độc giả có nickname hongnhungpaticusi đặt vấn đề và nêu ví dụ về một gia đình từ quê lên phố làm thuê, nhưng nhờ biết quản lý chi tiêu và có kế hoạch đúng đắn nên thoát cảnh nghèo.
Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong bài viết Những người nghèo phố, khổ quê trước thực trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quê, đến thành phố làm việc nhưng vẫn trắng tay và lâm vào cảnh khó khăn trong dịch bệnh.
Độc giả Tieu Dao TU chia sẻ câu chuyện của gia đình và nêu nhận định về chuyện tiết kiệm của lao động nhập cư:
"Gia đình tôi cũng người từ quê lên phố, sau bao năm làm việc ba mẹ cũng mua được nhà cửa đàng hoàng ở Sài Gòn. Miếng đất ấy ở sát ngoại ô, bên cạnh quy hoạch treo, nằm chơ vơ giữa đồng với 2, 3 căn nhà. Con đường vào cũng bằng đất, chưa trải nhựa, mưa là sình lầy.
Nhưng thấy khu vực xung quanh (quy hoạch treo) nhiều ao, trũng nên nhà tôi bắt cá, ốc ăn. Mẹ lâu lâu hái rau muống bán. Chỗ trống thì nuôi heo, ao thì trồng sen... nói chung là ngoài công việc chính thì làm đủ cái để mưu sinh.
Sau này chỗ tôi phát triển, gần KCN nên công nhân ở trọ nhiều. Họ từ miền Tây, miền Trung, miền Bắc đủ cả. Tôi tiếp xúc nhiều thấy họ thật thà, phóng khoáng, nhưng đa số không biết chi tiêu.
Lương họ tương đối từ 9, 10 triệu trở lên nhưng không dư đồng nào. 100 người thì 99 người ăn nhậu, hát hò suốt cả ngày. Hết tiền thì ký sổ. Thậm chí cờ bạc cũng có luôn.
Trong số những công nhân mà tôi gặp, người chịu khó cũng xây được cái nhà ở quê cho ba mẹ. Cá biệt có người sau vài năm cũng lên được chủ, mua được nhà Sài Gòn. Ông bà ta có câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Mọi người nên trách mình trước khi than thở, trách cứ xã hội".
Trong khi đó, độc giả Lực Tuệ cho rằng nhìn nhận ở góc độ sâu xa hơn, việc phát triển giáo dục và tạo ra việc làm ở những vùng quê sẽ giải quyết căn cơ vấn đề những người "nghèo phố, khổ quê":
"Tôi từng đi bộ 6 km một khu vực bãi ngang ven biển quê, phần lớn người dân ở đây sống khổ cực chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt ven biển nhỏ, dân thưa.
Một số người ở nhà lầu do có người thân đi xuất khẩu lao động và gửi tiền về. Tôi cũng từng có mong muốn quê mình phát triển thành thành phố nhộn nhịp và sôi động. Để làm được điều đó, tôi nghĩ cần giải quyết bài toán nguồn nước sạch. Sở dĩ dân ở đây sống thưa dân như vậy là vì nguồn nước không đảm bảo. Phần lớn đất đai nông nghiệp bằng đất cát, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu.
Nhưng nhà máy nước được xây dựng đã giải quyết được nguồn nước cho khu vực đông dân nhất ở đó. Nhưng vẫn không thể dẫn nguồn nước tới các khu vực khác vì dân số thưa, chi phí đầu tư ban đầu rất cao. Nguồn nước có thể giải quyết dễ dàng. Nhưng tìm vấn đề sinh kế người dân thì thế nào?
Không thể tập trung một lượng dân số lớn lại mà không có nghề nghiệp tạo ra sinh kế để sinh sống được. Do đó phải tìm nguồn sinh kế mới ngoài nông nghiệp vì nông nghiệp năng suất thấp, giá cả bấp bênh, công việc không nhiều, giá trị không cao. Vậy thì phải tập trung phát triển dịch vụ, sản xuất hàng hóa khác.
Nhưng ở đó chỉ có các doanh nghiệp thủy hải sản nhỏ với số lượng ít. Nên phải tập trung phát triển dịch vụ. Mà dịch vụ công nghệ cao như CNTT, giáo dục... Như vậy thì phải cần lực lượng được giáo dục. Tóm lại để phát triển được các vùng quê phải phát triển giáo dục".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.