Nếu bạn bị đánh thức khỏi giấc ngủ do cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần trong đêm, đây là biểu hiện của chứng tiểu đêm. Tại Mỹ, khoảng 50 triệu người sống chung với chứng tiểu đêm, một phần ba người trên 30 tuổi và một nửa trên 60 tuổi thức giấc ít nhất một lần mỗi đêm để đi tiểu.
Tiểu đêm không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn làm phiền người xung quanh, khiến mọi người khó có được giấc ngủ mong muốn. Tình trạng này còn có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, khó tập trung công việc dẫn đến tai nạn, té ngã và các vấn đề khác.
Tiểu đêm xảy ra do tuổi tác, mang thai, cách ăn và uống, tác dụng phụ của thuốc và có thể là triệu chứng của một số bệnh dưới đây:
Nhiễm trùng tiết niệu: Vi khuẩn tồn đọng trong đường tiết niệu gây nhiễm trùng, khiến người mắc đi tiểu nhiều lần vào đêm và ngày. Một số triệu chứng khác có thể có như đi tiểu liên tục ngay cả khi vừa mới đi xong, đau khi đi tiểu, nước tiểu đục hoặc đổi màu, sốt.
Bệnh bàng quang: Khi mắc các bệnh ví dụ bàng quang tăng hoạt, nhiễm trùng, tắc nghẽn hoặc ung thư bàng quang, chức năng của bàng quang bị thay đổi có thể dẫn tới tiểu đêm.
Bệnh tuyến tiền liệt: Một số bệnh tuyến tiền liệt gây tiểu đêm gồm viêm tuyến tiền liệt, phì đại hoặc ung thư, khiến bàng quang không đào thải hết nước tiểu. Nếu bạn phải cố gắng đi tiểu hoặc cảm giác không thể kìm nén cơn buồn tiểu, tiểu nhỏ giọt, đây là triệu chứng bệnh cần điều trị sớm.
Sa cơ quan vùng chậu: Cơ và dây chằng vùng chậu có thể yếu đi do tuổi tác, sinh con hoặc bệnh mô liên kết. Do đó, tử cung và bàng quang có thể trượt khỏi vị trí vốn có, khiến cho bàng quang không thể đào thảo hết nước tiểu, gây đi tiểu thường xuyên. Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện khi bị sa cơ quan vùng chậu gồm cảm thấy tử cung phình ra từ âm đạo, rò rỉ nước tiểu và cảm giác nặng nề ở háng.

Người phụ nữ cố gắng kiềm chế cơn buồn tiểu trong ngày. Ảnh: Freepik
Tiểu đường type 2: Bệnh này xuất hiện khi lượng đường trong máu cao. Cơ thể loại bỏ đường dư thừa qua nước tiểu cùng với nhiều chất lỏng hơn, tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Ngoài ra, một số triệu chứng có thể đi kèm như rất đói, khát tăng dần, thay đổi cân nặng đột ngột.
Rối loạn giấc ngủ: Bạn có thể cảm thấy khó ngủ, nằm thao thức trên giường. Lúc này, cơ thể cảm thấy cần đi vệ sinh ngay cả khi bàng quang không đầy.
Cao huyết áp: Các chuyên gia đã chứng minh cao huyết áp có liên quan tới tiểu đêm. Bệnh còn có các triệu chứng gồm nhức đầu, nghe thấy tiếng chuông trong tai, mờ mắt. Các triệu chứng nói trên cần được điều trị ngay, do cao huyết áp gây đột quỵ và đột tử khi không được kiểm soát.
Suy tĩnh mạch: Khi tĩnh mạch không hoạt động bình thường, máu sẽ tích tụ trong mạch, trở lại lưu thông khi nằm xuống. Do đó, cơ thể tăng sản xuất nước tiểu trong đêm. Bệnh suy tĩnh mạch còn có thể có triệu chứng sưng chân, thay đổi màu da, xuất hiện vết thương ở chân.
Suy tim sung huyết: Đây là bệnh khiến tim không thể bơm máu hiệu quả, máu bị ứ lại ở các cơ quan. Cơ thể sẽ cố gắng cải thiện lưu thông máu khi nghỉ ngơi, vì vậy gây tiểu nhiều lần. Các triệu chứng khác của suy tim gồm sưng chân và mệt mỏi.
Béo phì: Béo phì có thể khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn trong đêm. Lý do là cơ thể tăng sản xuất nước tiểu, mỡ thừa làm tăng áp lực trong bụng và thói quen ăn uống vào ban đêm.
Trầm cảm: Khi trầm cảm, bạn dễ thức dậy để tiểu vào ban đêm. Ngược lại, tiểu đêm cũng làm tăng khả năng phát triển các triệu chứng trầm cảm, khiến giấc ngủ gián đoạn và ảnh hưởng giấc ngủ.
Cách hạn chế tiểu đêm
Các bệnh nói trên cần được điều trị càng sớm càng tốt, song một vài thay đổi trong lối sống có thể giúp hạn chế tình trạng tiểu đêm. Bạn nên đi vệ sinh lần cuối trước khi ngủ để hạn chế số lần đi tiểu vào ban đêm. Hãy hạn chế uống rượu, nước vào ban đêm để giảm sản xuất nước tiểu và nhu cầu đi tiểu vào ban đêm.
Giảm ăn muối bởi tiêu thụ nhiều muối có thể khiến đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêu thụ tối đa 5 g muối một ngày hoặc dưới một thìa cà phê, để giảm chứng tiểu đêm.
Tập thể dục 150 phút mỗi tuần: Tập thể dục có nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó giúp giảm đi tiểu đêm.
Nếu đang điều trị bệnh, hãy dùng loại thuốc gây đi tiểu nhiều hơn trước khi đi ngủ 6 giờ. Nếu bị sưng bàn chân, nên kê cao chân khi ngủ hoặc sử dụng tất áp lực để giúp chất lỏng quay trở lại lưu thông trong máu. Cách này có thể giúp giảm số lần đi vệ sinh vào ban đêm.
Tập ngủ ngắn: Giấc ngủ ngắn có thể giúp cảm thấy thoải mái hơn, song nên tránh ngủ trưa dài do sẽ khó ngủ hơn vào ban đêm. Bên cạnh đó, bạn nên đi ngủ đúng giờ, tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ, sử dụng rèm cản sáng.
Nếu chứng tiểu đêm xuất hiện do yếu cơ sàn chậu, có thể tăng sức mạnh sàn chậu bằng bài tập Kegel. Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng bô khi cần thiết; phòng ngủ và hành lang nên sử dụng ánh sáng yếu, không dùng thảm hoặc các chướng ngại vật có thể gây vấp ngã vào ban đêm.
Chi Lê (Theo Insider)