Không biết trường hợp của bố tôi có phải do thận hư hay không, đi tiểu đêm bao nhiêu lần được xem là bình thường? (Minh Nam, Bắc Ninh)
Trả lời:
Tiểu đêm là tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm. Tình trạng này gây tác động tiêu cực tới chất lượng giấc ngủ, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể. Đối với người lớn tuổi, tiểu đêm làm cho giấc ngủ bị gián đoạn, và làm gia tăng nguy cơ chấn thương, té ngã.
Thông thường với một cơ thể khỏe mạnh, trong thời gian ngủ, hệ bài tiết giảm hoạt động, nước tiểu được tạo ra ít hơn và cô đặc hơn so với ban ngày nên phần lớn chúng ta không cần phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu. Do vậy, giấc ngủ không bị gián đoạn trong khoảng 6 - 8 giờ.
Trường hợp nếu thức dậy hơn một lần để đi tiểu, có thể bố bạn đã mắc phải chứng tiểu đêm. Ngoài việc ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nào đó. Vì thế, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tiểu đêm có thể xuất phát từ lối sống, ăn uống không hợp lý. Ảnh: Freepik
Tiểu đêm có rất nhiều nguyên nhân, có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng canxi máu, suy thận mạn. Tuy nhiên, các bệnh lý này thường có những triệu chứng đi kèm cần được thăm khám, làm xét nghiệm cụ thể. Bên cạnh đó, tiểu nhiều về đêm có thể do lối sống như uống nhiều nước, rượu bia vào buổi tối, uống nước lợi tiểu gần giờ ngủ, hoặc có thể do yếu tố thần kinh (hội chứng chèn ép tủy sống, stress, parkinson...) gây ra tình trạng tiểu không kiểm soát, bí tiểu và tiểu lần trong ngày.
Ngoài ra tiểu đêm còn do tình trạng rối loạn đường tiểu dưới, bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt và những vấn đề tiết niệu có khả năng lây nhiễm làm suy yếu bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang mô kẽ, khiến việc giữ nước tiểu kém, gây ra tình trạng tiểu đêm. Tình trạng này thường xảy ra gia tăng ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi).
Tiểu đêm nhiều lần nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng như ảnh hưởng thần kinh, làm rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc. Tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể suy giảm trí nhớ, cơ thể mệt mỏi, uể oải vào buổi sáng.
Nếu tiểu đêm do các bệnh lý ở tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, đái tháo đường, bệnh thận... nếu không có biện pháp can thiệp sớm sẽ dẫn tới các tổn thương khó phục hồi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Bên cạnh đó, tiểu đêm kéo dài còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi, do phải thức dậy nhiều lần, giấc ngủ gián đoạn, làm gia tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp của bố bạn, trước hết cần thăm khám để bác sĩ chẩn đoán xác định rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Song song đó, bố bạn cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày như hạn chế uống nước trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng, hạn chế uống rượu bia, cà phê hay thuốc lợi tiểu vào buổi tối.
Nên tập thói quen đi tiểu trước khi ngủ, giữ tinh thần thoải mái vì stress kéo dài có thể làm nghiêm trọng chứng tiểu đêm. Trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị cũng có thể một số thành phần gây đi tiểu nhiều hơn, do vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ và nên uống thuốc vào buổi sáng.
Bác sĩ chuyên khoa I, Phan Huỳnh Tiến Đạt
Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM