Ai nên là người giữ tiền trong gia đình? Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản trên lại là bài toàn khó với nhiều cặp vợ chồng trẻ khi bắt đầu bước vào hôn nhân. Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến vấn đề tài chính.
Từ xưa đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người thường mặc định phụ nữ phải là người quản lý tài chính trong gia đình. Nếu người vợ không khéo vun vén thì trách nhiệm này được chuyển giao cho các ông chồng. Độc giả Nguyenptt chia sẻ cách phân chia tài chính theo kiểu "tay hòm chìa khóa" của gia đình mình: "Tôi và chồng cùng xuất phát điểm: tay trắng đi lên, không có hỗ trợ nào từ phía gia đình. Chúng tôi học chung lớp, ra trường cùng nhau, nên chọn cách quy tiền bạc về một mối để tiết kiệm mua nhà, nuôi con...
Do con tôi sinh ra bị bệnh bẩm sinh, nên chồng thuyết phục tôi chỉ duy trì công việc ở mức vừa phải để dành thời gian lo cho con, phần kiếm tiền sẽ do anh đảm nhận. Tôi đồng ý, đồng nghĩa với chấp nhận thu nhập của bản thân rất thấp, thụt lùi so với chồng và bạn bè. Anh biết vậy nên luôn tự nguyện đưa thẻ lương cho tôi giữ. Dù từng là một phụ nữ hiện đại, độc lập, với khát khao kiếm tiền cháy bỏng, tôi vẫn chọn tin tưởng chồng bằng cách giữ chặt tiền. Chồng cũng biết tôi không an tâm, nên mỗi khi có thưởng thêm ở ngoài được bao nhiêu anh cũng đưa về cho tôi hết.
Ý định ban đầu của tôi là cũng ráng cạnh tranh công bằng, đóng góp kinh tế ngang chồng, chứ không muốn mang tiếng ăn bám. Sau này chồng chỉ cho tôi cách đầu tư, để tôi thấy mình cũng làm ra được nhiều tiền. Nói chung, vụ này cũng tùy hoàn cảnh, như gia đình tôi mà cứ rạch ròi tiền anh, tiền tôi thì có lẽ con tôi đã không sống được".
>> Tư tưởng vợ chồng chia đôi thu nhập
Trong khi đó, một kiểu phân chia tài chính gia đình khác cũng được nhiều vợ chồng trẻ ngày nay áp dụng, đó là kiểu "thân ai nấy lo". Theo đó, mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và đóng góp chi tiêu chung của gia đình, dạng như "góp gạo thổi cơm chung". Đó cũng là cách làm của bạn đọc Hoai Trang: "Vợ chồng tôi tiền ai nấy giữ, chồng tôi làm kinh doanh bên ngoài nên tôi không biết thu nhập thực của chồng là bao nhiêu. Tiền lương, thưởng Tết làm văn phòng của tôi, chồng cũng không bao giờ hỏi.
Tuy nhiên, vợ chồng tôi từ khi kết hôn đến giờ lúc nào cũng sẽ có các khoản vay: vay mua đất, vay làm nhà, rồi lại vay mua thêm đất. Tiền chồng làm ra chủ yếu để trả các khoản vay trên và để một ít tiêu riêng. Còn lương của tôi dùng để chi tiêu cho con cái học hành và ăn uống trong gia đình và để tôi mua sắm các thứ cho bản thân. Thỉnh thoảng, thấy chồng rủng rỉnh tiền bạc, tôi lại nói anh đóng tiền học cho con. Tới khi anh làm ăn khó khăn, tôi lại bao hết các chi phí và chi tiêu vặt cũng ít lại chút.
Khi một trong hai người hết tiền, chúng tôi vui vẻ hỏi mượn tiền của người còn lại, nói rõ khoản chi cho đối phương). Và tất nhiên, đây là khoản vay 'không hoàn lại', nhưng chúng tôi nói vậy để người còn lại thấy được coi trọng. Nhờ đó, gia đình tôi vẫn rất ổn tới giờ. Nói chung, chúng tôi ngầm hiểu rằng, tài chính của ai người nấy giữ, không ai quản ai. Vì thú thực, tôi nghĩ ai cũng phải có một khoảng trời riêng, hôn nhân mà quản lý nhau chặt quá sẽ rất khó sống".
>> Đòi hỏi phụ nữ chia đều sinh hoạt phí với chồng
Kiểu cuối cùng là "hai túi tiền thông nhau", tức là vợ và chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý và chi tiêu đồng đều. Là người áp dụng kiểu phân chia tài chính theo kiểu này, độc giả Travis Nguyen nêu quan điểm: "Tôi xin chia sẻ cách phân chia thu nhập của vợ chồng mình suốt nhiều năm qua để các bạn độc giả tham khảo, góp ý. Tiền kiếm được của tôi và vợ sẽ được chia thành ít nhất ba khoản tách biệt: tiền chi tiêu sinh hoạt chung, tiền chi tiêu riêng của mỗi cá nhân, và tiền tiết kiệm cũng như đầu tư. Trong đó:
- Tiền chi tiêu hàng ngày (dùng cho ăn cơm, điện nước, ...): còn gọi là quỹ chung. Chúng tôi đóng góp quỹ chung theo tỷ lệ thu nhập của mỗi người và chỉ cần nạp tiền vừa đủ cho chi tiêu hàng tháng.
- Tiền chi tiêu riêng: của ai người nấy giữ, nhưng phải minh bạch. Ví dụ, vợ có thể kiểm tra số dư trong tài khoản của tôi bất cứ lúc nào, biết tôi tiêu vào những việc gì, cho ai... Nếu thấy tôi tiêu hoang, vợ sẽ lập tức nhắc và ngược lại. Tuy nhiên, tôi lười nên gần như không xem các khoản chi của vợ. Khoản tiền chi tiêu riêng này mỗi người cũng chỉ lấy vừa đủ hàng tháng.
- Tiền tiếu kiệm và đầu tư: cũng được chia theo quy tắc ai giữ của người nấy và phải minh bạch. Tôi rành đầu tư hơn vợ nên hay chỉ vợ cách mua cổ phiếu, đất đai... Nếu vợ đầu tư gì có tính rủi ro cao, tôi sẽ chú ý và nhắc nhở ngay. Tài khoản đầu tư cũng phải riêng biệt với quỹ sinh hoạt để tránh rủi ro, ảnh hưởng tới gia đình. Trường hợp xấu nhất, nếu một người mất hết tiền đầu tư thì ít nhất vẫn còn người kia và sinh hoạt phí vẫn được đảm bảo".
>> Vợ chồng bạn phân chia tiền bạc thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.