Việc ai trả tiền cho một cuộc hẹn thực ra khá đơn giản, nhưng tôi thấy rất ngạc nhiên khi nhiều người vẫn tranh cãi về vấn đề này. Nó đơn giản đến nỗi chỉ có hai nguyên tắc cơ bản: mời trả hết, rủ chia đều. Tuy nhiên, việc này cũng có thể linh động trong việc chia tiền: nếu giữa một người đã có việc làm và một người đang còn là sinh viên hoặc học sinh "ăn bám" cha mẹ, thì người có việc làm nên dành phần nhiều hơn, hoặc trả hết; nếu đi ăn với vị thế là anh, chị, cũng nên trả phần nhiều; nếu đi ăn với cha mẹ, nên chủ động trả tiền trước.
Nhiều người tranh cãi thực ra là bởi họ khó xác định đâu là mời và đâu là rủ? Mời là khi bạn nói rõ từ "mời" trong câu, hoặc nếu nói "làm gì đó nhé", còn "làm gì đó không/ đi?" là dấu hiệu của rủ (chia tiền). Khi bạn nói từ "nhé", bạn sẽ ở thế chủ động và tất cả đã ở thế sẵn sàng, còn khi bạn hỏi "không", đối phương sẽ có lựa chọn vì bạn không chuẩn bị gì, và vì thế hóa đơn sẽ chia đều. Nếu các bạn để ý, khi nấu ăn ở nhà và mời khách, bạn sẽ hay hỏi đại loại như: "Hôm nay đến nhà tôi ăn nhé?", chứ ít khi hỏi: "Đến nhà tôi ăn không?".
Đây là việc cần tinh tế trong giao tiếp, nhiều người có thể không nghĩ như tôi, nên bạn sẽ phải tùy cơ cân nhắc. Ví dụ như khi là bạn bè, trừ khi nói hẳn là mời, còn lại đa phần mọi người sẽ tự giác chia tiền. Chuyện hẹn hò còn cần tinh tế hơn nữa. Nếu bạn đang cưa cẩm đối phương, lời đề nghị từ phía bạn sẽ chắc chắn cho việc bạn đang mời. Khi đối phương đề nghị, thì chuyện đối phương trả hết hay bạn đề nghị 50-50 sẽ được bàn sau. Khi đã xác định mối quan hệ, việc trả hết hay chia đều sẽ quay về với quy tắc tôi đã nói ban đầu.
Vì thế, tôi lấy làm khó hiểu khi nhiều chàng trai than thở việc cô gái họ đang cưa cẩm không chịu chia tiền hóa đơn và bảo "quá tốn chi phí". Chẳng phải anh đang mời người ta sao? Bạn phải hiểu rằng đối phương chưa có quan hệ gì với mình và bạn đang chiếm dụng thời gian của đối phương khi mời họ. Còn chuyện mời, rủ ở tần suất bao nhiêu sẽ cho bạn thấy một khía cạnh khác, đó là việc chủ động hay bị động trong mối quan hệ.
>> 'Đàn ông không phải máy rút tiền'
Ví dụ như một cô gái không bao giờ đề nghị, đó là cô ấy đang cho bạn quyền chủ động hoàn toàn mối quan hệ này, và cô ấy sẽ không phù hợp với những chàng trai muốn được chia tiền. Cô gái này chắc chắn ở vị trí "vợ hiền, dâu đảm" tương lai. Nếu là một cô gái thỉnh thoảng chia tiền, cô ấy vẫn sẽ là một "nội tướng" nhưng việc dâu rể sẽ được đưa lên bàn cân, việc ra riêng sẽ có thể được đưa lên lịch trình.
Nếu một cô gái thường xuyên chia tiền và thỉnh thoảng mời, cô ấy sẽ yêu cầu chàng trai chăm sóc tổ ấm và việc nội ngoại cùng, việc ra riêng gần như chắc chắn. Nếu một cô gái luôn muốn 50-50, cô ấy sẽ chia đôi mọi thứ với bạn. Ngược lại, với các chàng trai cũng có thể áp dụng quy tắc như vậy.
Thế mới nói, chuyện hẹn hò sẽ cho biết đối phương là người như thế nào và bạn sẽ có thể cân nhắc người ấy có phù hợp với mình không? Nếu đối phương tỏ ra "lệch chuẩn" so với khi hẹn hò, bạn cũng nên cân nhắc rút khỏi "cuộc chơi". Tôi thấy nhiều người đàn ông cầm tiền bạn gái mà tỏ vẻ mình trả hết hay đòi chia tiền, những người này nên tránh. Hoặc mấy cô gái đầu tư quan hệ thì ít nhưng đòi hỏi hoặc "bình đẳng" thì nhiều, các chàng trai cũng nên rút lui sớm.
Đặc biệt, chúng ta phải chú ý với người nói là mời nhưng vẫn đề nghị chia tiền (trừ trường hợp bất khả kháng), hoặc được mời mà đòi trả hết hóa đơn. Họ một là những người tính toàn, hai là những người quá sĩ diện. Khi được mời, bạn có thể đề nghị chia tiền, và không nên cố làm vậy nếu đối phương không đồng ý.
Trả tiền là một kỹ năng tinh tế, và nó gần như không liên quan đến bình đẳng. Đàn ông hay đàn bà đều có thể dừng mối quan hệ này, và ai cũng có thể không mời và không trả tiền. Khi bạn đã chấp nhận cuộc chơi, đừng bao giờ than thở.
Tuân Hầm
>> Theo bạn, đàn ông có nên trả tiền cho phụ nữ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.