Chia sẻ quan điểm về câu hỏi"Sao đàn ông lại phải trả tiền ăn cho bạn gái?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc chủ động chi trả chi phí hẹn hò không phải sĩ diện mà cho thấy mức độ chân thành của người con trai:
Con gái nước nào cũng thế, đâu phải mỗi Việt Nam. Có mỗi bữa ăn với người yêu mà không lo được thì gánh vác việc lớn kiểu gì? Khi yêu, không cần con trai phải tính "anh trả hay em trả?", con gái cũng sẽ tự trả những bữa khác. Điều đó xuất phát từ sự chân thành, nếu kiểu lợi dụng nhau thì đương nhiên đàn ông bỏ tiền đãi ăn mặc cho gái, sẽ được đáp lại bằng thứ khác. Đôi bên cùng có lợi, thoả mãn nhau. Tôi đi ăn đa phần bạn trai trả tiền, dù tôi có đòi trả tiền thì anh ấy vẫn nhất quyết không cho, thỉnh thoảng mới được tự trả. Bao giờ cưới có lẽ tôi sẽ trả hết vì lúc đó tiền của anh là của tôi rồi. Tình yêu theo kiểu góp vốn cổ phần thì dễ bỏ nhau lắm.
Khi người phụ nữ cho phép bạn được "sĩ diện" nghĩa là bạn đã có một vị trí nhất định trong lòng cô ấy. Trừ mấy cô đào mỏ thích lợi dụng thì không nói làm gì. Còn ai không phân biệt được giữa ga lăng và sòng phẳng thì bản chất chỉ là kẻ tính toán chi ly, "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành".
15 năm hôn nhân, giờ đi ăn ngoài chồng tôi vẫn giành trả tiền như hồi mới yêu. Tôi nghĩ cuộc sống để hạnh phúc bên nhau là phải biết để ý, điều chỉnh, biết hài hòa với đối phương chứ không phải đưa tiêu chí cứng của bản thân ra làm điều kiện nhất nhất người khác phải làm theo. Còn nếu bạn thích sự rạch ròi thì cứ chia đôi tiền ăn, chia đôi tiền sinh hoạt gia đình, chia đôi đẻ con, chia đôi thức đêm chăm con khóc, chia đôi nấu nướng... Cuộc sống không tuyệt đối được như vậy. Hạnh phúc đơn giản là biết vì nhau.
Đó không phải sĩ diện mà là thành ý. Đàn ông muốn chinh phục được người con gái thì phải chịu chi. Dĩ nhiên, bạn có thể tìm được một cô bạn gái chịu chia tiền bình đẳng 50/50. Nhưng phụ nữ đa phần vẫn thích người yêu chi phần lớn, phụ nữ vẫn trả nhưng sẽ ít hơn, khoảng 70/30. Trừ những cô gái đào mỏ, lợi dụng thì không tính. Bạn phải hiểu, đàn ông có bản năng chu cấp, bảo vệ (cái này là sự thật chứ không phải tôi tự nghĩ), nếu yêu thật lòng thì ai lại đi tính toán tình phí với người yêu.
Khả năng kiếm tiền tốt, nên mỗi lần đi ăn ngoài tôi tự chủ trả tiền cho bạn gái. Đầu thập niên 90, tôi vào TP HCM ở nhà chị ruột để đi học Đại học vào buổi tối, ban ngày tôi đi làm 8 tiếng. Thời điểm đó, bạn gái tôi (nay là vợ được 22 năm) cũng vào TP HCM học Đại học, ở nhà người bác ruột, đi học ban ngày và không phải đi làm. Thu nhập của tôi lúc đó cũng khá nên chi tiêu cũng không gặp khó khăn khi sống ở thành phố. Những buổi tối được nghỉ học, tôi thường đưa bạn gái đi ăn, hoặc buổi sáng trước khi đi làm tôi ghé chỗ ở của bạn gái chở đi ăn sáng rồi tôi mới đi làm. Tôi hoàn toàn chủ động trả tiền khi đi ăn, vì bạn gái lúc đó cũng chỉ được gia đình chu cấp tiền chi tiêu vừa đủ xài từng tháng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi và bạn gái về lại quê làm việc cho công ty nước ngoài. Lúc này, cả hai cũng có thu nhập tốt, nhưng đi ăn tôi vẫn chủ động thanh toán. Sau ngày cả hai nên vợ thành chồng, khoản chi tiêu trong gia đình, tôi giao lại cho vợ, vì lúc này vợ nghỉ việc công ty, chuyển ra ngoài làm kinh doanh riêng tại nhà và có thu nhập tốt hơn nhiều. Còn tôi, mỗi kỳ lĩnh lương, chỉ để lại 5% tiền lương tiêu vặt, còn lại bỏ vào tủ để vợ tự thu chi. Vào những dịp sinh nhật của tôi, vợ mua tặng cho chiếc xe hai bánh hơn trăm triệu, hoặc chiếc xe ôtô trị giá cả tỷ đồng. Do vậy, muốn có được cái gì thì cũng phải đầu tư, không nên quá sòng phẳng với bạn gái khi đi ăn như với đồng nghiệp.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.