Ngày nay, có nhiều bạn trẻ trước khi lấy nhau thống nhất trước việc phân chia chia tiền bạc như: vợ chồng chia đôi lương góp vào quỹ chung, còn lại mỗi người cầm số còn lại để chi tiêu riêng. Với cách này, tôi thấy có các vấn đề sau:
Giả sử hai vợ chồng có thu nhập bằng nhau, mỗi người kiếm được khoảng 20 triệu đồng một tháng. Như vậy, tổng thu nhập của cả gia đình là 40 triệu đồng. Nếu chồng và vợ mỗi người cầm 10 triệu đồng tiêu riêng, còn nộp quỹ chung 20 triệu đồng. Số tiền tiêu riêng đến cuối tháng sẽ không còn lại là bao nhiêu, trong khi chi tiêu sinh hoạt của gia đình mỗi tháng cũng hết 10-15 triệu đồng nên quỹ chung cũng không dư nhiều.
Vậy là, mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ dư ra 5-10 triệu đồng là tối đa. Nếu tiết kiệm hết mức, hai vợ chồng cũng chỉ bỏ ra được 100 triệu đồng một năm (nếu không phát sinh những khoản lớn). Sau 10 năm, họ bỏ ra được một tỷ đồng- chẳng đủ để mua nhà.
Cũng với ví dụ trên, nếu hai người không chia tiền tiêu riêng mà góp quỹ chung hết 40 triệu đồng. Sau khi trừ đi tiền sinh hoạt và chi tiêu cá nhân, hai vợ chồng có thể để dư ra 20 triệu đồng một tháng, tức 240 triệu một năm. Như vậy, sau khoảng 5 năm, họ sẽ dư ra một tỷ đồng và kế hoạch mua nhà sẽ được rút ngắn lại một nửa.
Nếu chồng thu nhập 30 triệu đồng một tháng, vợ thu nhập 10 triệu đồng một tháng. Như vậy, chồng dư ra 15 triệu đồng chi tiêu cá nhân sau khi góp quỹ chung (số tiền này thực tế không cần thiết vì cầm nhiều tiền tiêu nhiều). Trong khi đó, vợ chỉ dư được 5 triệu đồng, tiêu xài gì cũng phải căn ke từng đồng. Còn nếu chồng góp nhiều, vợ góp ít cũng không công bằng. Chồng tiền tiêu xông xênh trong khi vợ phải tằn tiện cũng không hợp lý, dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu trách nhiệm (vì không ai muốn phải làm nhiều đóng nhiều).
Cũng trường hợp thu nhập như thế này, nếu ai làm ra bao nhiêu góp hết vào quỹ chung bấy nhiêu, cần tiêu gì thì lấy ra tiêu. Chồng tiêu không hợp lý thì vợ nhắc, vợ tiêu không hợp lý thì chồng nhắc. Khi vợ sinh con, không đi làm được thì chồng cũng thấy phải có trách nhiệm hơn. Khi chồng hoặc vợ thất nghiệp thì người còn lại cũng ý thức phải cố gắng, động viên, thay vì mặc kệ.
>> Đòi hỏi phụ nữ chia đều sinh hoạt phí với chồng
Khi hai người trẻ yêu nhau rồi cưới nhau, họ chấp nhận hy sinh cả cuộc đời vì người mình yêu, vậy cớ sao chỉ có một chút tiền mà chúng ta lại so bì thiệt hơn? Nếu nói chuyện về tiền bạc trước khi cưới, theo tôi, hai người nên thống nhất mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, tiền của anh cũng là của em, tiền của em cũng là của anh, vợ chồng sẽ quy về một mối, không có chuyện tiền anh hay tiền em.
Thứ hai, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, vợ chồng phải yêu thương nhau, cùng nhau động viên, giúp đỡ nhau, không được mang chuyện tiền bạc ra để so bì ai đóng nhiều, đóng ít?
Thứ ba, mọi quyết định của người này đều phải chia sẻ với người kia. Nếu một trong hai không hài lòng về các chi tiêu của người kia thì cần phải thẳng thắn chia sẻ trên tinh thần xây dựng hạnh phúc.
Thứ tư, bố mẹ, gia đình hai bên đều phải coi như nhau. Khi biếu bố mẹ hay giúp đỡ họ hàng hai bên, vợ chồng đều phải bàn bạc sao cho hợp lý. Có ít biếu ít, có nhiều biếu nhiều. Tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình mà biếu hay giúp đỡ nhiều - ít khác nhau (không nhất thiết phải cào bằng).
Xét cho cùng, hạnh phúc gia đình mới là quan trọng nhất. Hãy suy nghĩ trên cơ sở "của chồng công vợ". Pháp luật cũng đã quy định, tài sản làm ra của vợ hoặc chồng trong thời gian kết hôn đều là của chung, vậy sao khi chúng ta chưa ly hôn lại cứ nghĩ đến chuyện phân chia tiền bạc?
>> Vợ chồng bạn phân chia tiền bạc thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.