Đại tá James Blackmore, chỉ huy không đoàn nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, cho biết hai tiêm kích F-35B ngày 20/6 được lệnh cất cánh từ tàu sân bay để không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Khi các phi công F-35B vừa xuất kích, họ phát hiện "biên đội hỗn hợp gồm tiêm kích Sukhoi và MiG của Nga" hoạt động gần đó.
Sau khi phát hiện biên đội tiêm kích Nga, nhóm tác chiến Queen Elizabeth gấp rút điều động thêm hai chiếc F-35B khác để xem xét tình hình. Đại tá Blackmore cho biết trong ba ngày nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth hiện diện tại vùng biển ngoài khơi đảo Cyprus ở Địa Trung Hải, các thủy thủ trên tàu phát hiện máy bay quân sự Nga mỗi ngày.
Các nguồn tin quốc phòng Anh cho biết lực lượng Nga "hoạt động liên tục" với nhiều loại khí tài, gồm một hộ vệ hạm lớp Grigorovich trên mặt biển, trong khi tàu ngầm theo dõi hải trình của nhóm tác chiến tàu sân bay Anh.
"Đây là lần đầu tiên F-35 được điều động đến Địa Trung Hải, do đó Nga muốn tới và xem xét tiêm kích này. Nga cũng muốn xem tàu sân bay Anh và tìm hiểu cách chúng tôi vận hành chiến hạm. Điều này giống việc chúng tôi muốn hiểu cách họ vận hành khí tài", đại tá Blackmore nói.
Blackmore cho biết tin rằng "luôn có một máy bay quân sự Nga tới và trinh sát" khi nhóm tác chiến Queen Elizabeth thực hiện đợt triển khai với hải trình hơn 48.000 km. Khi các lực lượng Nga để ý tới tàu sân bay Queen Elizabeth và các chiến hạm hộ tống, "Anh buộc phải chứng minh năng lực và ý định ở phía đông Địa Trung Hải".
"Điều này không chỉ bao gồm việc sử dụng tiêm kích đa năng thế hệ thứ 5", Blackmore nói. "Chúng tôi cũng sẽ dùng trực thăng để đối phó với bất cứ đơn vị mặt nước nào tới gần nhóm tác chiến, hoặc trực thăng của họ".
Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 22/6 cho biết tiêm kích F-35B của thủy quân lục chiến nước này và không quân Anh xuất kích từ tàu sân bay Queen Elizabeth để tấn công IS trong khuôn khổ chiến dịch Nhổ tận gốc của Mỹ và Shader của Anh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến châu Á hôm 22/5 để tới Địa Trung Hải. Nhóm tàu sau đó dự kiến đi qua Biển Đỏ, khu vực Ấn Độ Dương, Biển Đông rồi tới Biển Philippines.
Trong hải trình đầu tiên này, chiến hạm được hộ tống bởi một khu trục hạm, một hộ vệ hạm, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ của Anh, cùng khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Tàu sân bay Anh sẽ thăm 40 quốc gia gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, tham gia hơn 70 đợt phối hợp trên biển.
Tàu sân bay Queen Elizabeth được khởi đóng tháng 7/2009 và hạ thủy sau đó 5 năm với chi phí hơn 4,5 tỷ USD, được biên chế vào hải quân Anh tháng 12/2017. Đây là chiến hạm đầu tiên và duy nhất trên thế giới được thiết kế chuyên cho vận hành tiêm kích tàng hình F-35B.
Tàu có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 280 m, có thể chở theo khoảng 65 máy bay các loại gồm tiêm kích F-35B và trực thăng hải quân, được trang bị 3 tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Phalanx và 6 cụm súng 6 nòng xoay 7,62 mm.
Chiến hạm được đặt theo tên Nữ hoàng Elizabeth I, sống vào thế kỷ 16-17, người từng lãnh đạo hải quân Anh đánh bại hạm đội Tây Ban Nha trong trận hải chiến Gravelines.
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph)