Chị Khánh bị vảy nến 20 năm nay, điều trị nhiều nơi nhưng không liên tục. Từ sau Tết đến nay nắng nóng kéo dài, bệnh tái phát với các mảng phát ban màu hồng, nhỏ như nốt muỗi đốt.
Chị tham gia nhóm bệnh nhân vảy nến trên Facebook, sử dụng các bài thuốc dân gian, "gia truyền" như uống nước lá đu đủ đực, tắm nước lá cây (không rõ loại), khiến sẩn mảng hồng ban tróc vảy loang lổ khắp người. Nghiêm trọng nhất, hai bắp chân sưng đỏ, nhiều mụn mủ, tróc vảy, đau nhức, hạn chế đi lại.

Móng tay dần tách khỏi nền móng, tổn thương móng là dấu hiệu thường gặp của bệnh vảy nến. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tương tự, ông Linh, 64 tuổi, ở TP HCM, được người bán quảng cáo "chữa khỏi vĩnh viễn vảy nến" nên mua 30 thang "thuốc gia truyền" của người này, giá hơn 3 triệu đồng, về uống. Ban đầu, ông chỉ bị bong vảy ở khuỷu tay, đầu gối, uống hết 8 thang thuốc thì bệnh bùng phát. Ông Linh sốt cao, suy thượng thận do "thuốc", vảy nến nặng tiến triển thành đỏ da toàn thân. Vùng da lưng, ngực nứt nẻ, rỉ mủ và dịch vàng, các khớp chân tay sưng, đau nhức.
Ngày 19/4, BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đỏ da toàn thân cảnh báo bệnh vảy nến nặng nhất, dễ gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, suy tim, suy hô hấp, rối loạn điện giải, rối loạn điều hòa thân nhiệt...
Vảy nến là tình trạng viêm mạn tính, cơ chế sinh bệnh do tương tác giữa yếu tố miễn dịch, di truyền và yếu tố bên ngoài (thuốc, nhiễm trùng, stress, chấn thương, rượu bia, thuốc lá...). Bộ Y tế ghi nhận 2-3% dân số mắc bệnh vảy nến, ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam và nữ như nhau.
Mỗi tuần, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân vảy nến. Trong đó, 5-10 ca bị biến chứng do đắp lá đu đủ đực, tắm nước củ ráy, uống thuốc gia truyền...
Hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định thuốc đông y, thuốc gia truyền hay loại lá cây nào có thể điều trị vảy nến, theo bác sĩ Dung. Dùng các loại thuốc này thường khiến bệnh nặng hơn vì người bệnh chậm tiếp cận với phương pháp điều trị chuẩn. Trong thành phần của "thuốc gia truyền" có thể chứa hoạt chất giống corticoid, uống kéo dài khiến vảy nến lan rộng và tiến triển nặng hơn. Đồng thời, loại thuốc này có thể làm rối loạn nội tiết, gây hội chứng Cushing, dễ kích ứng da và tăng nguy cơ nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết.
Vảy nến là bệnh mạn tính, kéo dài suốt đời, khoảng thời gian lui bệnh và tái phát xen kẽ. Vảy nến có cơ chế bệnh sinh liên quan đến yếu tố gene nên ngay cả khi sạch thương tổn da cũng không thể coi là bệnh khỏi hoàn toàn. "Quảng cáo cam kết chữa khỏi vảy nến 100% là sai sự thật", bác sĩ Dung nói.
Vảy nến có nhiều phương pháp điều trị, có thể đơn trị liệu hoặc phối hợp các phương pháp như thuốc thoa tại chỗ; liệu pháp quang học; điều trị toàn thân bằng thuốc uống điều hòa miễn dịch hoặc tiêm thuốc sinh học.
Chị Khánh được chẩn đoán bị biến chứng nhiễm trùng, nhiễm nấm da trên nền vảy nến mảng. Chị được điều trị kháng sinh, kháng nấm, kết hợp bôi thuốc kháng viêm, dẫn xuất của vitamin D3, kem dưỡng ẩm giúp giảm sưng viêm ở hai chân và ức chế tăng sinh tế bào sừng, giảm đỏ vảy trên các mảng vảy nến ở đầu cổ, thân mình.
Sau hai tuần tái khám, tình trạng bội nhiễm kiểm soát tốt, bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc, tập trung điều trị vảy nến bằng thuốc điều hòa miễn dịch và thuốc bôi ngoài da, tư vấn chế độ sinh hoạt và chăm sóc da đúng cách cho chị. Hiện bệnh của chị Khánh đã ổn định. Các vùng da trên cơ thể gần hết hồng ban, tình trạng tróc vảy hết hoặc còn rất ít, không nổi thêm sang thương mới.
Còn ông Linh, sau một tháng điều trị, kết hợp tiêm 4 liều thuốc sinh học, bệnh cải thiện dần, da hết đỏ, hết tróc vảy, các khớp không còn sưng đau. Ông cần tiêm thuốc duy trì mỗi tháng và uống thuốc điều trị suy tuyến thượng thận lâu dài.

Tiêm thuốc sinh học điều trị vảy nến tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Dung cho biết thuốc điều hòa miễn dịch thường dùng cho trường hợp vảy nến mảng trung bình đến nặng, vảy nến đỏ da toàn thân, viêm khớp vảy nến, một số bệnh lý tự miễn... So với các thuốc sinh học, chi phí điều trị vảy nến bằng thuốc điều hòa miễn dịch thấp hơn nhiều nên phù hợp với nhiều bệnh nhân và dễ duy trì thời gian điều trị lâu hơn.
Tuy nhiên, thuốc điều hòa miễn dịch có một số tác dụng phụ như gây ức chế tủy (giảm các dòng tế bào máu), tăng men gan, xơ gan, tăng nguy cơ nhiễm trùng, có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mày đay, rụng tóc... Người bệnh phải sử dụng thuốc đúng phác đồ, không tự ý bỏ thuốc và cần tái khám, xét nghiệm định kỳ để theo dõi tác dụng phụ và điều chỉnh thuốc phù hợp. Vảy nến kiểm soát tốt, thường sau khoảng ba tháng, bác sĩ sẽ xem xét giảm liều dần, tiến tới ngưng thuốc điều hòa miễn dịch và chỉ cần dùng thuốc bôi.
Hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn vảy nến nhưng có thể kiểm soát bệnh với thời gian lui bệnh kéo dài, điều trị sạch thương tổn trên da, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Người bệnh cần đi khám đầy đủ, tuân thủ điều trị và các hướng dẫn trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Dung khuyến cáo người bệnh cũng không tự ý ngừng thuốc đột ngột, hay sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Người bị vảy nến nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tập thể dục nhẹ nhàng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế nhiễm trùng hoặc chấn thương. Đi kèm vảy nến là các bệnh đồng mắc như tim mạch, tăng lipid máu, người bệnh phải kiểm soát chế độ ăn liên quan các bệnh này như bổ sung thực phẩm giàu axit béo, hạn chế dầu mỡ, kiêng rượu bia, thịt đỏ...
Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc vảy nến, bệnh lan rộng, nghiêm trọng hơn, sốt cao, nổi mụn mủ, đỏ da toàn thân, sưng đau khớp, mệt mỏi, khó thở, đau ngực... nên đến bệnh viện khám ngay để được điều trị.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |