Có một thực tế hiện nay là ngành Y tế công và Giáo dục đang liên tục kêu ca lương thấp, trong khi người dân vẫn phàn nàn về chất lượng. Thế nhưng, khi đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu ra thì nhiều người phản đối. Thoạt nghe, sẽ không ít người thắc mắc, hai chuyện này thì có liên quan gì đến nhau? Thực ra nó lại có quan hệ rất chặt chẽ.
Tôi ở Australia, nền Giáo dục và Y tế ở đây rất chất lượng, cũng như lương của đội ngũ giáo viên, y bác sĩ cũng khá cao (dù họ cũng đang đấu tranh rất nhiều vì lương tăng chưa bắt kịp lạm phát). Vậy lấy đâu ra kinh phí để tăng lương cho giáo viên, bác sĩ? Xin trả lời rằng, thuế thu nhập ở bên này đánh rất cao, thuộc loại cao nhất trong số các nước phát triển.
Riêng về bất động sản, nếu không phải nhà riêng (principal place of residence) hay đất nông nghiệp đang sử dụng (farm land) thì sẽ phải chịu thuế đất tùy bang. Khi có giao dịch mua bán bất động sản thì người mua phải chịu thuế trước bạ (stamp duty). Chính phủ có bảng giá tham khảo rất sát giá thị trường, cho nên không thể khai giảm, khai thiếu được.
Mặc dù giá nhà ở các thành phố lớn như Sydney, Melbourne rất cao, nhưng so với thu nhập trung bình của người dân thì vẫn còn khá hơn so với ở Việt Nam nhiều. Và quan trọng là chất lượng cuộc sống, xã hội ở đây tốt hơn rất nhiều. Cho dù bạn không mua được nhà, phải đi thuê thì vẫn cảm thấy an nhàn. Thế nên, người sở hữu nhiều bất động cũng không hề phản đối thuế đất, và người ta xem đó là điều tự nhiên.
>> Mua đất 'mắc võng' chờ thời
Ở Australia, ở nhà riêng sẽ được miễn thuế. Thậm chí, nếu bán lời gấp 100 lần, bạn cũng không phải đóng vào thuế thu nhập. Đó là lý do vì sao có một số người sống bằng nghề "house flipping" - mua nhà cũ, sửa lại, ở khoảng sáu tháng bán đi kiếm lời. Nếu không ở đó sáu tháng, tiền lời trên chi phí bỏ ra sẽ tính vào thu nhập chịu thuế. Thế nên, không phải nước nào đánh thuế bất động sản thứ hai cũng đánh thuế thứ nhất.
Thêm nữa, người ta không cần mua nhà để ở, đi thuê cũng được, vì mặt bằng xã hội cao, phúc lợi tốt. Học sinh đi học không tốn phí, giáo viên được trả lương khá, nhà nước thậm chí còn cho thêm tiền phụ huynh để mua sách vở hay laptop, máy tính bảng cho học sinh (dù không nhiều). Hệ thống y tế công cũng được miễn phí, điều trị ung thư cũng không tốn tiền (từ hóa trị xạ trị cho đến thuốc men). Bác sĩ không phải lên mạng ca thán vì lương rất cao. Y tá lương vừa phải, ít ra là ngang lương trung bình của cả nước...
Muốn có được tất cả những thứ đó thì người dân phải đóng thuế, đó là để đảm bảo công bằng cho xã hội. Không đóng thuế chỉ có lợi cho người giàu, họ sẽ càng giàu hơn; còn người nghèo sẽ ngày càng nghèo đi, khi phúc lợi xã hội không có kinh phí. Tóm lại, chúng ta phải đánh thuế bất động sản, và dùng tiền thuế để đầu tư cơ sở hạ tầng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.