Đọc bài viết "Tư tưởng 'giàu lên nhờ đất'", tôi cho rằng chúng ta không nên lấy Mỹ, Nhật - những nước về bối cảnh, kinh tế và dân trí đều hơn xa chúng ta để so sánh. Họ đã đi qua quãng đường mà chúng ta đang trải qua từ rất lâu rồi, xã hội họ điều chỉnh theo điểm mạnh riêng, nên tất nhiên họ phải khác ta.
Người Việt luôn có tâm lý "an cư lạc nghiệp", nó khác rất nhiều với chủ nghĩa xê dịch trong văn hóa của Mỹ. Người Mỹ có thể sống ở rất nhiều thành phố, nhiều quốc gia, nên không cần một miếng đất cố định tại chỗ và không có giá trị sử dụng để phải đóng thuế.
Những điều này, nếu chúng ta muốn thay đổi, không phải một năm, hai năm là được ngay. Đôi khi, phải ba, bốn thế hệ mới thay đổi được. Để được như vậy, Việt Nam không phải chỉ tăng thuế là xong. Nếu cứ suy nghĩ theo kiểu đánh thuế cao thì sẽ không còn tình trạng tích trữ bất động sản và ai cũng có nhà như ở Mỹ, thì tôi tin là một sai lầm.
Nếu đánh thuế cao căn thứ nhất như Mỹ thì thử hỏi thu nhập của toàn bộ người dân Việt Nam có chịu được không? Còn nếu đánh từ căn thứ hai trở đi, đơn giản họ sẽ lách luật cho người khác đứng tên hộ. Hình dung thế này, một gia đình có nhiều bất động sản, nhưng thay vì một người đứng tên hết, họ có thể để vợ chồng, con cái thay nhau đứng tên từng bất động sản, nên nó vẫn tính là tài sản thứ nhất, đâu thể đánh thuế được?
>> Dân quê tôi chạy đua buôn đất vì sợ mất cơ hội làm giàu
Ngay cả khi tính là bất động sản thứ hai, vậy tiền thuế đó ai chịu? Chính người thuê hay người mua sau này cũng bị lãnh đủ khoản này mà thôi.
Theo tôi, việc giảm giá đất, tránh tích trữ đầu cơ phải là một giải pháp đồng bộ, chứ không phải đơn lẻ. Thay vào đó, hãy thay đổi nguồn gốc cơ bản của cung cầu, tạo văn hóa và luật rõ ràng khi xài chung tài sản đất, bằng cách tăng nguồn cung từ những dự án nhà ở xã hội, xét duyệt đúng đối tượng, quy hoạch lại thành phố, ưu tiên bất động sản đó và hạn chế những căn hộ cao cấp...
Đồng thời, cũng cần có chính sách thu hồi đất tư nhân để xây khu dân cư, tạo nguồn cung, quy hoạch lại chiến lược phát triển vùng, không tập trung tất cả vào TP HCM và Hà Nội, đưa hết những Đại học, bến xe ra ngoại thành... Đơn giản, đừng so sánh với Mỹ, hãy nhìn chính các nước có điều kiện tương đồng ta như Singapore và HongKong, xem họ đang làm gì với số đất ít ỏi để phát triển? Tôi tin chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích.
AC
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.