Tại cuộc họp báo chiều 21/5, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói về nguyên tắc, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang cư trú tại địa bàn nào thì bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở nơi đó. Tuy nhiên, một số vị đi bỏ phiếu ở địa phương khác, "gắn với việc kiểm tra công tác bầu cử, chứng kiến giờ khai mạc và động viên các địa phương trong ngày trọng đại".
Địa phương 4 lãnh đạo chủ chốt thực hiện quyền bầu cử cũng là nơi các vị ứng cử. Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Hà Nội. Đây là khóa thứ 5 liên tiếp ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử ở thủ đô.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở TP HCM, tương tự các Chủ tịch nước nhiệm kỳ gần đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử tại Đồng bằng sông Cửu Long; trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ứng cử ở TP Hải Phòng thay vì Hà Tĩnh (vào đầu nhiệm kỳ, Phó thủ tướng Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh; khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Hà Tĩnh về Hà Nội).
Trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin, sau 20 ngày từ ngày bỏ phiếu (23/5), kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội sẽ được công bố (Hội đồng nhân dân công bố sau 10 ngày). Trường hợp trong quá trình bầu cử có khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng sẽ cần thời gian để giải quyết, sau đó công bố kết quả, xác nhận tư cách đại biểu.
Ngày 23/5, hơn 69 triệu cử tri trên cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã đồng ý cho 16 tỉnh tổ chức bầu cử sớm tại một số điểm.