Trong tổng số 866 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, có 129 người được giới thiệu để bầu làm đại biểu chuyên trách ở Trung ương. Nếu trúng cử, đây là các vị dự kiến công tác ở vị trí lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các cơ quan của Quốc hội...
"Hầu hết các ứng viên đều là những người có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị, đã được rèn dũa qua thử thách, thực tiễn công tác", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét.
Danh sách 129 ứng viên đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương
Ngoài hai ủy viên Bộ Chính trị, có 15 trong số 129 ứng viên là Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó 12 người đang công tác tại Quốc hội. Ba người đang công tác ở các cơ quan khác gồm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Trung tướng Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường; và Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm.
Đây là những nhân sự dự kiến sẽ thay thế các vị lãnh đạo Quốc hội đương nhiệm (không tham gia Trung ương khóa XIII), lần lượt là: Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải (đã được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội) và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến.
Trong số 129 ứng viên đại biểu chuyên trách ở trung ương, có 89 người (gần 69%) đang công tác tại Quốc hội và các cơ quan trực thuộc, trong đó hơn 60 người tham gia tái ứng cử; số ứng cử viên nữ là 21, chiếm tỷ lệ gần 16,3%.
Ngoài hơn 60 đại biểu tái ứng cử nêu trên, số còn lại là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, tham mưu, như 2 phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 14 vụ trưởng; hai Phó Tổng thư ký Quốc hội, hai thư ký nguyên Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, một thư ký Phó chủ tịch Quốc hội, một Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật và một Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội.
Hai người là lãnh đạo cơ quan truyền thông của Văn phòng quốc hội gồm ông Nguyễn Văn An, Phó tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội và ông Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân.
17 chuyên gia là lãnh đạo các Cục, Vụ ở các bộ, ngành được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Quốc phòng với 4 sĩ quan. Ngoài Thượng tướng Trần Quang Phương và Trung tướng Trần Hồng Minh, còn có Phó tham mưu trưởng Quân khu 4, Đại tá Vũ Xuân Hùng; Phó Viện trưởng, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Đại tá Trần Đức Thuận.
Bộ Công an có 3 sĩ quan, trong đó hai người là Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp gồm các Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Vũ Huy Khánh; và Đại tá Lê Nhật Thành, Phó cục trưởng An ninh Nội địa.
Các Bộ Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường đều giới thiệu hai ứng cử viên. Trong đó, Bộ Tư pháp có Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba và Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính Đỗ Đức Hiển.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư có Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu và Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Đinh Ngọc Minh.
Bộ Tài nguyên & Môi trường có ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Văn hóa Thể thao & Du lịch; Y tế; Tài chính đều có một ứng viên. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; ông Bùi Hoàng Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch); ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế; và ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính.
Các Ban Đảng Trung ương giới thiệu ba ứng cử viên là ông Phạm Mạnh Khởi, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương; ông Phạm Nam Tiến, Vụ trưởng Vụ địa phương 2, Ban Nội chính Trung ương; và ông Lâm Văn Đoan, trợ lý Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có hai ứng viên là bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó bí thư thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Có hai ứng viên làm trong ngành Giáo dục là ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm chuyển giao trí thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội và bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh.
Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh có ba ứng viên được giới thiệu làm đại biểu chuyên trách ở Trung ương. Đó là bà Trần Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn tỉnh Bến Tre; ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng đoàn tỉnh Bắc Giang; ông Tô Văn Tám, Phó trưởng đoàn tỉnh Kon Tum.
Một số ứng viên là lãnh đạo sở ngành cấp tỉnh, như ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình; ông Bùi Mạnh Khoa, Cục trưởng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Thanh Hóa và bà Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị.
Ngoài ra, ứng cử viên chuyên trách còn có sự góp mặt của nhân sự đang công tác ở Hội chữ thập đỏ, Ủy ban dân tộc, Tổng liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 quy định, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được nâng lên tối thiểu 40%.
Theo ông, với hoạt động của Quốc hội, các đại biểu là trung tâm nhưng đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ chiếm vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
"Tôi hy vọng các ứng viên đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua đã thể hiện tốt chương trình hành động của mình, tạo được niềm tin với cử tri nơi mình ứng cử để có kết quả bầu cử tốt nhất, đảm bảo được tỷ lệ tối đa theo quy định của pháp luật", ông Huệ nói và nhấn mạnh, đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần đổi mới hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là tính chuyên nghiệp của Quốc hội trong thời gian tới.