Đó là nhận định của độc giả Hồng Phúc Quan sau khi đọc bài "Vì sao đỉnh triều ở TP HCM liên tục lập kỷ lục?". Ngoài ra, nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân chính là bởi việc đô thị hóa xuống vùng trũng thấp đã lấp hết ao hồ trữ nước của thành phố:
Kênh rạch, ao hồ trong những thành phố lớn chính là những cái bể chứa nước dự trữ khi nước chưa kịp thoát hết trong một thời gian nào đó. Giờ xây dựng nhiều, mấy con rạch nhỏ bị bít hết, chiếm dụng để xây nhà cửa, công trình, chỗ vứt rác.... hết chỗ chứa nước, triều cường lên thì con người như củ kiệu, quả cà trong cái bình muối ngập nước.
Đây là khu vực thoát nước của thành phố ra biển nhưng lại mở rộng về vùng này rồi bêtông hóa hết nên nước không thoát được mới xảy ra hiện tượng như ngày hôm nay. Thành phố cần có giải pháp tốt hơn để giải quyết vấn đề này, bằng không dân mình còn khổ dài dài.
Thành phố đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được.
Khu Tây thành phố nằm sâu trong đất liền, sao thành phố không phát triển về hướng đó mà chỉ tập trung phát triển hạ tầng ra phía biển vậy?
Vùng ao hồ ở Nhà Bè và Quận 7 trước đây luôn là những nơi chứa và tiêu thoát nước. Bây giờ cho lấp sạch hết rồi còn đâu nữa? Sông rạch thì quản lý quá dở để nhà xây dựng ngày càng lấn chiếm, xả rác bừa bãi chặn dòng chảy! Sài Gòn không ngập mới là lạ.
Nếu TP HCM phát triển về hướng Tây Bắc sẽ khác, khu này nền đất cao vững chắc, giúp cân bằng nền đất cả thành phố. Tuy nhiên, xui là khu vực Tây Bắc xa trung tâm hiện hữu, lại không có giá trị kinh tế như khu phía Đông và Nam, vốn có cảng biển, gần trung tâm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.