Xung quanh câu chuyện "Đường phố Sài Gòn mênh mông nước", nhiều độc giả VnExpress đã chia sẻ những thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cải thiện tình trạng ngập úng diện rộng tại TP HCM:
Số tôi dính liền với ngập. Những năm 98-99 còn nhỏ, tôi sống ở Long Xuyên, lũ về là toàn đi thuyền trên tỉnh lộ. Lớn lên đi học ở Cần Thơ, năm nào tháng 9, 10 ngay chỗ ở, nước cũng tràn vào sảnh chung cư. Giờ lên Sài Gòn định cư vẫn thấy ngập triền miên.
Khi nào thành phố mới thoát khỏi ngập nước do mưa, triều cường? Chúng ta đã đầu tư không ít tiền của, trí tuệ để chống ngập cho thành phố, thế nhưng ngập vẫn tiếp diễn. Có lẽ chúng ta chưa có một cái nhìn tổng quát về thủy văn của vùng Đông Nam Bộ: địa hình, sông ngòi, chế độ thủy triều, đặc điểm mưa... Hơn thế nữa, quy hoặch xây dựng đã không tuân thủ được các quy định cấp thoát nước. Hai điều tối quan trọng chống ngập:
1. Chủ động điều tiết thủy triều bằng hệ thống đê, cống được xây dựng kiên cố.
2. Xây dưng hệ thống thoát nước triệt để: vừa thoát nước lũ, vừa nước mưa. Phải vận hành hai hệ thống này một cách nhịp nhàng trong mọi thời điểm, nhất là về mùa mưa và những tháng triều cao.
Không chỉ biến thành sông mà giờ phố phường đã trở thành biển nước với những cơn sóng dữ xô đổ xe máy, con người và mọi thứ trên đường; miệng hố ga, ổ trâu, ổ voi giờ đã thành các hố đen đại dương sẵn sàng nuốt chửng cả người và xe; nhiều tuyến phố nhỏ giờ đã trở thành các con kênh nước đen, rác thải nổi lềnh phềnh; nhiều thanh chắn vỉa hè, hàng rào đã chở thành những cái bẫy khi ngâm trong làn nước đục, sẵn sàng chờ đợi người và xe phi vào...
Tình hình này xem chừng không chống được úng ngập chỉ có cách thích nghi thôi, không chống được thiên nhiên đâu. Thành phố nên nghiên cứu thay đổi phương thức giao thông kép - đường bộ pha sông - chuyển taxi đường sông, nâng cao các cọc tiêu trên vỉa hè làm nơi buộc neo xuồng, trang bị xuồng cao tốc cho CSGT; các căn hộ mặt tiền bỏ tầng trệt chuyển đồ và kinh doanh lên lầu 1, bỏ các trụ nước cứu hỏa, nâng cao các đường dây điện chưa kịp ngầm hóa, cắm thêm các biển cảnh báo nơi hố ga miệng cống, hố đào sâu ; tổ chức các trạm y tế cơ động sơ cứu người bị đuối nước, điện giật , về lâu dài cần nghiên cứu thay thế các cây xanh chịu nước, chịu mặn . Ôi nhiều việc lắm.
Nếu tôi là nhà đầu tư, qua Việt Nam khảo sát kinh doanh mà gặp mùa nước nổi này, cộng thêm kẹt xe giờ tan tầm buổi chiều và nối đuôi nhau đi làm buổi sáng cả tiếng chưa tới công ty... chắc tôi "chạy dài". Thấy thống kê dòng vốn ngoại đổ vào nền kinh tế bao nhiêu tỷ USD/ năm nhưng chưa từng ai thống kê cũng vì những yếu tố hạ tầng đô thị này mà hàng tỷ USD thay vì vào Việt Nam đã chuyển sang quốc gia khác? Đã có câu trả lời nào cho TP HCM khi nào hết ngập? Để thấy dù có bao nhiêu ngàn tỷ đi nữa cũng không thể nào là triệt để. Người dân hẳn khổ và đương nhiên là dài lâu để sống chung với lũ.
Thế mà người ta cứ hô hào đủ thứ: "thành phố đáng sống" ; "thành phố thông minh"; sắp tới tới "thành phố số"; "thời đại 4.0"; "thời đại của AI".... để làm gì?
Hệ thống kênh rạch chằng chịt tỏa khắp là nơi chứa nước mưa, triều cường nay bị lấp gần hết để xây khu đô thị, đường ống thoát thì nhỏ bé... thì sẽ ngập và khu vực ngập sẽ ngày càng rộng dù tiêu hết chục ngàn tỷ này đến chục ngàn tỷ khác.
Vấn đề ngập không chỉ riêng TP HCM mà trên cả nước do quy hoạch thiếu đồng bộ. Lấp sông kênh rạch, mưa không thoát được nước mà triều cường thì không có những kênh rạch nhỏ để giảm áp lực nước. Quê tôi nhỏ xíu, mới được lên thị xã mà mạnh ai nấy lấn rạch cất nhà. Càng vào trung tâm càng ít kênh. Hệ thống cống rất dễ nghẹt và thoát chậm. Nếu không có giải pháp, cứ ngập như vậy, công trình giao thông và kể cả dân dụng đều bị hư hỏng hoặc chât lượng giảm rất nhiều.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.