Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất thí điểm thu phí đường bộ với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và 8 đoạn cao tốc Bắc Nam do nhà nước đầu tư. Dự kiến thời gian thực hiện thí điểm thu phí trong 5 năm (từ khi phương án được Quốc hội thông qua), áp dụng đến khi có pháp luật về thu phí đường cao tốc. Tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách trung ương hoặc địa phương theo phương án đầu tư khai thác.
Trước đề xuất này, độc giả Bunca đặt dấu hỏi: "Khi đi đăng kiểm ôtô, nhà nước đã thu phí đường bộ của tất cả phương tiện, không xe nào trốn được. Chưa kể, số tiền đó cũng thu gần như hết vòng đời của chiếc ôtô cho dù xe chạy nhiều hay ít, thậm chí không chạy. Như nhà tôi có ôtô nhưng chủ yếu chỉ sử dụng một chiếc để đi xa, còn một chiếc kia hầu như để nhà. Ấy vậy mà phí đường bộ vẫn phải đóng như nhau. Phí đó chính là dành cho việc cải thiện chất lượng giao thông, duy tu đường sá. Vậy tại sao cứ mỗi lần làm đường là tôi lại thấy người tra bàn chuyện đặt trạm thu phí nữa?".
Có cùng thắc mắc, bạn đọc Hoàng Hải bình luận: "Phải hiểu là đường này xây dựng do tiền thuế của nhân dân đóng. Việc duy tu, quản lý cũng là từ tiền thuế của người dân. Đặc biệt, phí đường bộ các xe đã phải đóng hàng tháng để giải quyết việc duy tu, bảo dưỡng đường. Thế nên, không có lý do gì để đặt trạm thu phí nữa cả".
"Chỉ nên thu phí cao tốc để đủ kinh phí bảo trì. Còn chi phí để đầu tư cao tốc mới thì đã nằm trong ngân sách dành cho phát triển hạ tầng giao thông. Theo tôi, cần giảm chi phí logistic để giảm giá thành nhiều hơn, qua đó kích cầu tiêu dùng, từ đó chính phủ sẽ thu hồi tiền đầu tư cao tốc từ thuế. Còn việc thu thêm phí cao tốc không giải quyết được vấn đề", độc giả Phong Le Quang nói thêm
>> Thiệt - hơn khi tốc độ cao tốc Bắc Nam chỉ 80 km/h
Trong khi đó, ủng hộ đều xuất của Bộ Giao thông Vận tải, bạn đọc Bao Lam Tong cho rằng: "Đường cao tốc khác đường thường ở điểm có thể rút ngắn thời gian di chuyển,giúp đạt được lợi ích nhất định về kinh tế. Theo nguyên tắc, khi anh đạt lợi ích này thì phải có trách nhiệm chi trả chi phí, có thể bằng các hình thức khác nhau, để đổi lại phần lợi ích có được.
Nhìn sang cao tốc Trung Lương mà xem, một thời gian không thu phí, số lượng xe sử dụng cao tốc tăng cao, khiến đường mau xuống cấp. Tốc độ tối đa thấp hơn thiết kế, dẫn tới không tối ưu hóa được chi phí di chuyển, kết quả là không đạt được lợi ích về thời gian. Như vậy, đường cao tốc sinh ra có tác dụng gì?".
Đồng quan điểm, độc giả Haihokts chỉ ra lợi ích của việc thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: "Việc thu phí là cần thiết để duy tu, bảo trì đường, cũng như giảm mật độ xe (vì tài xế sẽ cân nhắc, cần đi nhanh mới vào cao tốc, còn đi chậm thì đi QL1A ). Cứ nhìn thử Cao tốc Long Thành- Dầu Giây để thấy sự xuống cấp của cao tốc và mật độ xe như thế nào?
Còn đối với riêng ngành vận tải, thu phí cao tốc có thể khiến chi phí vận hành cao hơn, nhưng đồng thời lại giúp giảm thời gian di chuyển, hành khách khi đó sẽ có nhiều thời gian trải nghiệm các dịch vụ khác nhau, gia tăng chi tiêu tại các điểm du lịch. Tôi đồng ý với bác về vấn đề chi phí vận chuyển có thể bị ảnh hưởng do thu phí, nhưng có lẽ với mức phí chia ra cho đầu người cũng không quá nhiều, trong khi lợi ích mang lại rất lớn, nên việc thu phí là nên làm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.