Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến các bộ ngành về việc thu phí đường bộ. 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.
Trong 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư này, có 4 dự án đã khai thác, 5 dự án sẽ hoàn thành trước năm 2025. Bộ Giao thông Vận tải muốn thực hiện thí điểm thu phí trong 5 năm (từ khi phương án được Quốc hội thông qua), áp dụng đến khi có pháp luật về thu phí đường cao tốc.
Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân; phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực. Các tuyến cao tốc sẽ thu phí tự động không dừng, liên thông giữa các dự án do nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách trung ương hoặc địa phương theo phương án đầu tư khai thác.
"Các dự án cao tốc vốn đầu tư lớn, được đầu tư dưới hình thức nào cũng cần thu phí để hoàn vốn, tiếp tục đầu tư dự án khác", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói.
Theo đề xuất trước đây của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2023, mức phí cao tốc Bắc Nam trung bình là 1.500 đồng mỗi xe trên 1 km; mỗi hai năm sẽ tăng 200 đồng đến giai đoạn 2030-2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng mỗi hai năm lên mức 2.400 đồng giai đoạn 2033-2035.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương đầu tư bằng vốn ngân sách từng được thu phí đường bộ. Khi có chủ trương không thu phí các dự án đường bộ đầu tư bằng ngân sách vào năm 2019, tuyến cao tốc này đã dừng thu.
Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP HCM - Trung Lương sau đó tăng đột biến, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Một năm sau, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí trở lại.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông đang đầu tư 659 km còn lại, dự kiến hoàn thành năm 2025.