Vùng đất 'thủ phủ' của cam đường Văn Chấn
Với tổng diện tích vườn khoảng 400ha, sản lượng mỗi năm lên tới 2.000 tấn, thị trấn nông trường Trần Phú, Yên Bái được mệnh danh là xứ sở của cam đường.
Cây cam vốn được trồng trên đất Văn Chấn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất nên cây cam phát triển tốt, cho quả sai, ngọt, tươi lâu. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cam, bà con vùng núi ở một số xã trong huyện như Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn nông trường Trần Phú dần phá bỏ những đồi chè già cỗi để phát triển cây trồng này.
Với lợi thế về diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất đồi, năm 2004, thị trấn nông trường Trần Phú đưa giống cam đường canh vào trồng thử nghiệm. Đến năm 2008, nông dân thị trấn đưa thêm 100 cây cam Caracara (cam Mỹ) và 6ha giống cam V2 (của Viện nghiên cứu Rau quả) vào trồng...
Đi dọc vùng đất này, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vườn cam bạt ngàn, phủ khắp các sườn đồi. Cam được trồng theo tầng, trên cao nhất của sườn đồi là cam canh, xuống dưới là cam sành và thấp hơn là cam sen, cam quýt.
Do nắm bắt được nhu cầu đa dạng của thị trường nên bà con thị trấn nông trường Trần Phú chủ động trồng đa dạng các giống cam. Không những thế, nhờ có các giống cam chín sớm, chín muộn và cam chính vụ nên mùa thu hoạch ở đây kéo dài hơn so với nhiều vùng chuyên canh khác. Những quả cam chín vàng có vỏ ngoài mỏng và đẹp, để được lâu, bên trong quả tỷ lệ xơ thấp, mọng nước, ít hạt, mùi thơm ngọt trở thành đặc sản của người Yên Bái.
|
Thị trấn nông trường Trần Phú được mệnh danh là "thủ phủ" cam đường của vùng Văn Chấn. Ảnh: Bizmedia. |
Để có được những vườn cam phát triển tốt, không bị sâu bệnh và cho chất lượng quả đạt yêu cầu, bà con nơi đây thực hiện quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật. Cụ thể, bên cạnh việc sử dụng phân bón đúng chủng loại và hàm lượng cho phép, bà con tiến hành phòng trừ sâu bệnh cho cây bằng thuốc bảo vệ thực vật. Thông thường, thuốc chỉ được phun vào giai đoạn cây bắt đầu đơm hoa và kết quả. Nếu vào thời điểm quả đang phát triển mà sâu bệnh xuất hiện, người dân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc để tránh dịch sâu bệnh lây lan trên diện rộng.
Sau khi phun thuốc lên vườn cây, người dân phải để qua một thời gian rồi mới thu hoạch. Quãng thời gian này được tính toán đủ để lượng thuốc còn tồn dư bay đi hết. Ngoài ra, việc tưới tiêu vườn thường xuyên cũng giúp rửa trôi thuốc bám trên quả. Các thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo đúng hàm lượng trong danh mục cho phép nên ít gây hại cho môi trường.
Nhờ thích nghi tốt, kết hợp với quy trình chăm sóc theo quy định, kỹ thuật nên các vườn cam trồng trong vùng đều phát triển khỏe mạnh, cho sản lượng cao, mẫu mã đẹp, chất lượng đồng đều. Ở đây, cam được trồng tại nhiều vùng khác nhau. Tổng diện tích các vườn cam của thị trấn nông trường Trần Phú đạt khoảng 400ha, sản lượng mỗi năm lên tới 2.000 tấn, mang lại doanh thu trên 60 tỷ đồng. Đây cũng là lý do mà thị trấn nông trường Trần Phú được mệnh danh là "thủ phủ" cam của Văn Chấn.
Hiện, hơn nửa số hộ dân tại thị trấn nông trường Trần Phú có thu nhập chính từ cây cam. Trong đó, khoảng 100 hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Liên tục trong nhiều năm qua, cam là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch kinh tế của thị trấn nông trường, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Huyền Chi