Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 11/7/2018, 11:35 (GMT+7)

Trở thành nông dân tỷ phú nhờ liên kết với doanh nghiệp

Sau hơn 10 năm tham gia tổ sản xuất rau an toàn, ông Nguyễn Văn Phúc (Lâm Đồng) hiện có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Phúc (Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng tham gia tổ hợp tác sản xuất rau an toàn nằm trong chương trình hợp tác với với công ty MM Mega Market VN (trước đây là Metro). Đến nay, sau hơn 10 năm, ông Phúc đã có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và trở thành tấm gương điển hình của người nông dân tiên tiến tại Huyện Đơn Dương.

Ông Nguyễn Văn Phúc bắt đầu tham gia tổ hợp tác rau an toàn cung cấp cho MM Mega Market Việt Nam từ năm 2007

Ông Nguyễn Văn Phúc bắt đầu tham gia tổ hợp tác rau an toàn cung cấp cho MM Mega Market Việt Nam từ năm 2007.

Thạo công nghệ, hiểu thị trường

Không còn cảnh chân lấm tay bùn, sản xuất tự do, hay đối mặt với cảnh được mùa mất giá như trước đây, ông Phúc chia sẻ: "Từ năm 2007, tôi đã tham gia tổ hợp tác sản xuất rau an toàn để cung cấp cho MM Mega Market Việt Nam. Hiện nay, tổ hợp tác của chúng tôi có 17 thành viên, diện tích sản xuất là 25ha. Tổng sản lượng rau củ đạt tiêu chuẩn VietGAP của 17 hộ làm ra khoảng 4 - 5 tấn một ngày, vào dịp lễ tết có thể tới 9 - 10 tấn.

Để có những con số trên là cả một chặng đường 11 năm không ngừng học hỏi, đổi mới tư duy với sự đồng hành chặt chẽ của doanh nghiệp. "Suốt những năm qua, kỹ sư nông nghiệp của MM luôn giới thiệu cho bà con những công nghệ mới, tổ chức cho nông dân tham quan các trang trại ứng dụng công nghệ cao để chúng tôi học hỏi. Được doanh nghiệp cam kết đầu ra, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất như nhà lưới, nhà kính hiện đại mang lại hiệu quả cao", ông Phúc tiết lộ.

Sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người nông dân gia tăng cơ hội bán hàng

Sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người nông dân gia tăng cơ hội bán hàng.

Bên cạnh đó, người nông dân tỷ phú còn nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và chủ động lên kế hoạch để điều chỉnh phương án sản xuất cho phù hợp.

Hiện, ông Phúc sở hữu trang trại rộng tới 1,3 ha, trồng ba loại cây chính là bắp cải, cà tím, cà chua và rau mùi các loại. Trung bình mỗi ngày, ông thu hoạch 3, 4 tạ, vào các dịp lễ tết sản lượng có thể tăng gấp đôi. 

Ông Phúc cho biết thêm, trước đây ông sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn MM. Từ năm 2013 để phù hợp với thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, ông đã chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng cơ hội bán hàng.

Tư duy sản xuất bền vững

Không chỉ thành thạo về công nghệ và biết định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nông dân Nguyễn Văn Phúc còn dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất. "Tham gia nhóm sản xuất rau an toàn cho MM có nhiều lợi ích hơn so với làm nông dân tự do trước đây. Khi sản xuất theo nhóm, chúng tôi nhận sự hỗ trợ rất lớn từ doanh nghiệp về mọi mặt nên sản phẩm làm ra chất lượng hơn nhiều, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn", ông Phúc chia sẻ lý do khi được hỏi về lợi ích sản xuất theo nhóm.

Ông Phúc (đứng thứ 3 từ trái sang) là một trong 20 nông dân tiêu biểu hợp tác trên 10 năm với MM Mega Market

Ông Phúc (đứng thứ 3 từ trái sang) là một trong 20 nông dân tiêu biểu hợp tác trên 10 năm với MM Mega Market.

Ông cho biết thêm, mô hình sản xuất theo nhóm sẽ giúp các hộ nông dân luân canh theo nhu cầu của thị trường. Cơ chế luân canh cây trồng mang lại lợi ích kép, vừa tăng năng suất, đồng thời làm cho đất trồng ngày càng tốt.

Hơn 10 năm liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, ông Phúc đã hình thành tư duy làm ăn bền vững của một nông dân chuyên nghiệp. Thay vì chạy theo những lời mời hợp tác khác trả giá cao hơn mang tính nhất thời, ông chỉ tập trung vào mối hợp tác với MM và phát triển bằng cách nâng cao năng suất cây trồng.

Người nông dân Lâm Đồng còn nhấn mạnh, nếu những người nông dân như ông không thay đổi tư duy, không đổi mới cách thức sản xuất, không liên kết chặt chẽ với doanh thì khó có thể phát triển được.

Thế Đan

Chia sẻ bài viết qua email