Thứ bảy, 11/5/2024
Thứ năm, 28/6/2018, 15:00 (GMT+7)

Nông dân Sóc Sơn làm giàu từ cây nấm

Hiện, hợp tác xã nấm của chị Đào Thị Thiện tạo việc làm cho 15 xã viên, góp phần  tăng thu nhập cho khoảng 60 lao động thời vụ.   

Trước khi bén duyên với nghề trồng nấm, chị Đào Thị Thiện (thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) làm ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Thu nhậpchỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.  

Tình cờ, chị Thiện xem chương trình truyền hình về nông nghiệp trên ti vi giới thiệu về mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy kỹ thuật trồng nấm không quá khó nên chị nghĩ đến việc thử nghiệm. 

Nghĩ là làm, tháng 4/2006, chị bỏ ra 2 triệu đồng bắt đầu công việc sản xuất nấm. Đồng thời, chị mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Sóc Sơn 8 triệu đồng để đầu tư.  

Chưa từng có kinh nghiệm, chị tìm đến tận Trung tâm Công nghệ sinh học và thực vật (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) để được giúp đỡ về kỹ thuật. Ngoài ra, chị mua sách dạy về kỹ thuật trồng nấm để tham khảo, áp dụng vào thực tế.

polyad

Chị Đào Thị Thiện không chỉ trồng nấm thành công mà còn hướng dẫn nhiều chị em khác. Ảnh: hoinongdan.org

Sau gần 2 năm chuẩn bị, tháng 4/2006, chị bắt tay vào trồng lứa nấm đầu tiên. Chị Thiện trồng 200m2 với 3 loại: nấm mỡ, nấm rơm và nấm sò. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên nấm phát triển tốt. Sau 6 tháng, chị Thiện lãi 40 triệu đồng nhờ bán nấm, cao hơn so với làm ruộng và chăn nuôi. 

Năm 2010, trang trại nấm đã mở rộng lên gấp 3 lần. Với mong muốn mở rộng quy mô, chị đã tập hợp thêm 9 thành viên khác của xã thành lập Hợp tác xã Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Sáng Thiện, chính thức nhân rộng mô hình trồng nấm thương phẩm. 

Sau 3 năm đi vào hoạt động, từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông để sản xuất nấm, hợp tác xã đã xây dựng được 24 lán trại trên diện tích 5.300m2. Trung bình mỗi năm, các trại nấm cho thu hoạch khoảng 75 tấn nấm tươi, thu lãi trên 800 triệu đồng. Hiện, các sản phấm nấm sạch của hợp tác xã xuất hiện tại nhiều khu vực của huyện Đông Anh, chợ, siêu thị lớn ở Hà Nội.  

Năm 2011, chị Thiện tham dự một khóa học ngắn hạn về kỹ thuật trồng mộc nhĩ và nấm Linh Chi dược liệu do Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật tổ chức. 

polyad

Chị Thiện cũng trồng thành công nấm Linh chi dược liệu. Ảnh: hoinongdan.org

Ngoài sản xuất và tiêu thụ nấm cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sóc Sơn, chị Thiện chủ động kết hợp với  Hội Khuyến nông, Hội Phụ nữ mở lớp giảng dạy nghề trồng nấm tại hợp tác xã. Đồng thời, chị tập huấn kiến thức cho những cá nhân học nghề.   

Cũng trong năm đó, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ 50% kinh phí cho hợp tác xã đầu tư mua lò hấp thanh trùng, lò sấy nấm và tủ bảo ôn với tổng chi phí là 150 triệu đồng. Đến năm 2012 – 2013, hợp tác xã may mắn được hỗ trợ vốn vay 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cho các hội viên. 

Những năm qua, chị Thiện đã nhiệt tình chuyển giao công nghệ trồng nấm cho hàng trăm hộ gia đình ở Sóc Sơn và người dân lân cận, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Với những nỗ lực đó, chị Thiện vinh dự trở thành một trong 62 nhà nông đón nhận danh hiệu "Nông dân xuất sắc năm 2013".   

Phong Vân

Chia sẻ bài viết qua email