Nông dân Ninh Hải làm giàu từ măng tây xanh
Hưởng ứng chủ trương lấy măng tây làm cây chủ lực của tỉnh Ninh Thuận, Ninh Hải hỗ trợ bà con trồng măng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Nhứt và chồng thường bắt đầu thu hoạch măng tây trên cánh đồng nơi thu mua măng tây của Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.
Công việc bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc trước 6 rưỡi, bởi măng không thu hoạch kịp trước lúc mặt trời lên sẽ giảm giá bán. Măng đã nhú được thu hoạch dài khoảng 20-25 cm. Sau khi thu hoạch, măng được rửa sạch để bán cho HTX.
|
Cánh đồng măng tây mới trồng hơn 1 tháng tại xã Xuân Hải. Ảnh: Bizmedia |
Với kinh nghiệm trồng măng 3 năm, chị cho biết mỗi năm tốn khoảng 3 kg phân vô cơ, còn phân hữu cơ đổ vào sào măng tây này đã mười mấy xe, giá 1,6 triệu mỗi xe. Một sào (khoảng 1.000 m2) tốn khoảng 4 triệu tiền giống, còn lại chủ yếu là tiền phân hữu cơ - phân bò và phân dê.
Măng tây cứ ăn 3 tháng liên tục thì nghỉ từ một tháng đến một tháng rưỡi, chăm cho cây có đủ dưỡng chất trở lại thì lại tiếp tục lên măng. Mỗi năm có khoảng hai vụ, vào vụ ngày nào cũng cho thu. Mỗi 1.000 m2 măng tây thu được 10-15 kg mỗi ngày.
Ông Thái Bá Trung - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân cho biết, cây măng tây có từ khoảng năm 1970, ở các vùng Đông Nam Bộ như Củ Chi, Long An, Hóc Môn và cả Đà Lạt. Năm 2005, cây về Ninh Thuận, có 1-2 hộ trồng thử. Thấy cây măng tây đang thịnh, giá cao, 60.000-70.000 đồng mỗi kg nên người dân An Xuân cũng đem về trồng thử, chuyển đổi từ đất nho, đất lúa sang.
Những năm gần đây, thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, đồng thời, theo chủ trương của tỉnh, là chọn cây măng là cây sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân của ông cũng chọn cây măng là cây chủ lực. Đến 2015, măng tây bắt đầu được trồng đại trà tại xã Xuân Hải. Đến 2018, toàn xã có khoảng 16-17 ha, riêng HTX có 8 ha.
So với lúa, rau màu, măng tây có thu nhập cao hơn hẳn. So với nho – cây trồng cho hiệu quả kinh tế tương đối ổn định nhưng lại mất 4-7 tháng từ khi cắt cành đến khi thu hoạch, măng tây cho thu tiền đều đặn hàng sáng. “Nông dân thích là ở điểm đó, khỏi đi vay tiền gốc, ai làm nhiều có tiền triệu, chia làm 3, công 1 phần, phân thuốc 1 phần, còn 1 phần mình hưởng”, ông Trung chia sẻ.
|
Sơ chế măng tây tại điểm thu mua của HTX. Ảnh: Bizmedia |
Giá bán thời điểm này dao động 50.000-55.000 đồng mỗi kg, thời kỳ cao điểm, giá lên được 80.000-85.000 đồng mỗi kg. Hiện, măng tây loại 1 được thu mua với giá 55.000 đồng mỗi kg, loại 2 là 30.000 đồng mỗi kg, loại 3 là 25.000 đồng mỗi kg. Thời điểm trước Tết 2018, giá măng loại 1 là 80.000 – 85.000 đồng mỗi kg. Giá sẽ điều chỉnh theo thời gian, nhưng thấp nhất là khoảng 50.000 đồng mỗi kg.
Như vậy, bán cho HTX, người dân thu được vài trăm ngàn mỗi ngày, trong khi vẫn có thời gian làm thêm các công việc khác.
Măng tây đang mang lại thay đổi cho nhiều hộ dân khác tại xã Xuân Hải.
|
Cân măng tây tại điểm sơ chế. Ảnh: Bizmedia |
Tám giờ sáng, măng tây bắt đầu được các hộ trồng đem đến bán cho HTX.
Ông Ngô Văn Thăm – thành viên HTX làm nhiệm vụ ghi chép số lượng măng tây mua của bà con hôm ấy. Ông ghi rõ bao nhiêu kg măng loại 1, loại 2, loại 3, giá tiền và thanh toán cho người bán.
Ông cho biết, HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp An Xuân ban đầu là câu lạc bộ khuyến nông, sản xuất lúa giống, sau đó, đổi chức năng thành tổ hợp tác sản xuất lúa giống, từ 13 ha lúa giống ban đầu, đến nay đã hình thành cánh đồng mẫu lớn tới gần 100 ha.
Năm 2017, HTX bắt đầu hỗ trợ và hướng dẫn bà con đưa cây măng tây vào sản xuất. Tất cả thành viên HTX bán măng tây sẽ được hỗ trợ mua chịu phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ không tính lãi. Chi phí mua chịu được trả dần khi bán măng tây cho HTX.
Từ 6 hộ trồng măng tây ban đầu, con số đã tăng lên gấp 3-4 lần. Những ngày đầu, có người dân còn nghi ngờ tính hiệu quả của HTX khi đặt vấn đề bao tiêu cho thành viên. "Có người còn hỏi: "HTX liệu mua được mấy ngày?" Chúng tôi liền ký hợp đồng đàng hoàng cho bà con yên tâm, tới nay, người tới đăng ký đông, phải dừng chưa dám nhận thêm, mình đã làm bao tiêu cho thành viên thì phải làm sao duy trì được, giá bao nhiêu cũng phải mua” – ông chia sẻ.
Măng tây xanh của HTX hiện đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch và siêu thị tại Ninh Thuận. Năm 2018, HTX dự định sẽ dần phát triển diện tích măng tây thêm 3-5 ha, đồng thời tiếp tục tập trung vào phân vi sinh hữu cơ cho lúa giống và măng tây – “làm cái nào tốt cái đó, không đầu tư tràn lan, vì tràn lan không quản lý được, bước bước nào vững chắc bước đó” – ông Thăm cho biết.