Người nâng giá trị cho hạt 'ngọc thực' Sóc Trăng
Suốt 20 năm, kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống lúa thơm có giá trị chuyển giao cho nông dân canh tác.
Kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua từng tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt đại học Cần Thơ. Sau khi học xong, ông trở về quê nhà công tác tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Qua thời gian thực địa tại nhiều địa phương ở Sóc Trăng, kỹ sư Hồ Quang Cua phát hiện nhiều giống lúa bản địa thơm dẻo nhưng ít được nông dân quan tâm canh tác vì lý do dễ sâu bệnh, năng suất thấp. Ông và đồng nghiệp đã bỏ công lai tạo, nhân giống và tạo ra giống lúa ST3 vào năm 2001-giống lúa thơm chủ lực, thích nghi tốt, năng suất cao ở nhiều vùng thổ nhưỡng ven biển tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ các nghiên cứu của ông, hơn 20 dòng ST khác nhau lần lượt ra đời, định hình một trong những dòng lúa thơm đặc sản của Sóc Trăng hiện nay. Bởi vậy, anh hùng lao động Hồ Quang Cua được coi là “cha đẻ” của các dòng lúa ST tại Sóc Trăng. Trong đó, dòng ST đỏ màu tím than là giống lúa chứa nhiều chất oxy hóa, được gọi là “gạo dược liệu”.
Các dòng ST luôn bán được giá cao, giúp nông dân làm giàu ngay cả những thời điểm lúa gạo xuống thấp. Cụ thể, lúa ST20 luôn bán được giá cao ở cả thị trường trong nước (20-25 ngàn một kg) và xuất khẩu (có thể đạt giá 800 USD một tấn).
Năm 2011 dòng ST 20 nhận được giải thưởng cao nhất trong Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2, được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất đi nhiều thị trường khó tính. Gần đây, ST28 có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cây cao, cứng cây, gạo dài trắng, cơm thơm ngon…
Năm 2017, gạo ST24 do doanh nhân Hồ Quang Tri trồng theo quy trình hữu cơ tại Sóc Trăng, được đem đi tham gia hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo. Dưới sự đánh giá của các đầu bếp trên thế giới, gạo ST24 cùng với gạo Thái Lan, Campuchia được đánh giá là 3 loại gạo ngon nhất thế giới.
Đây là một trong những dòng lúa ST (Sóc Trăng) được tạo ra bởi nghiên cứu lai tạo của kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương.
|
Dấu chân ông in lên khắp mọi chân ruộng trên quê hương Sóc Trăng. Ảnh: soctrang.gov.vn |
Người kỹ sư xuất thân từ một gia đình thuần nông trên mảnh đất Sóc Trăng, từ khi tốt nghiệp đến sau khi nghỉ hưu ông luôn gắn bó với cây lúa.
Tranh thủ sáng dậy và buổi chiều sau giờ làm việc, ông Cua đều dành thời gian ở ngoài đồng. Cha đẻ của giống lúa ST cùng người thầy là GS Võ Tòng Xuân đi nhiều nơi, học cả cách người Thái, Campuchia làm lúa để lấy kinh nghiệm làm lúa Việt.
Ban đầu, công việc lai tạo không đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ, nhất là các thiếu tiêu chuẩn về lúa thơm Việt Nam. Ông tự làm các thiết bị có thể tự chế để thực hiện thí nghiệm. Chưa có tiêu chuẩn lúa thơm, người kỹ sư “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 để thực hiện.
Không chỉ tạo ra nhiều giống lúa chất lượng, ông Hồ Quang Cua còn chỉ ra giá trị của hạt gạo chỉ thực sự cao khi có sự liên kết chuỗi, gắn kết 4 nhà và hướng đầu ra của hạt gạo Sóc Trăng đến thị trường xuất khẩu.
Ngoài chuyển giao giống lúa, người kỹ sư còn hướng dẫn nông dân các kỹ thuật, phương pháp trồng theo hướng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu để vươn những thị trường khó tính.
Ông tìm ra những chế phẩm sinh học đưa vào quy trình sản xuất không chỉ đảm bảo ngon mà còn thân thiện với môi trường; làm sống lại mô hình tôm-lúa trên những vùng nuôi tôm kém hiệu quả.
Kỹ sư Hồ Quang Cua được trao tặng Huân chương lao động hạng nhất năm 2011 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2013.
Ngọc Hà