Thứ ba, 24/12/2024
Thứ ba, 14/2/2017, 16:30 (GMT+7)

Đặc sản bánh nhãn Nam Định

Gạo nếp và trứng gà là 2 nguyên liệu chính làm bánh nhãn nên cần chọn loại ngon, lấy từ cơ sở uy tín.

Làm bánh nhãn là một trong những nghề truyền thống lâu đời ở Hải Hậu, Nam Định. Nhiều nhà có 50-60 năm kinh nghiệm làm bánh, truyền cho con cháu qua từng thế hệ. 

Bánh nhãn không phải làm từ quả nhãn tươi như nhiều người vẫn nghĩ khi nghe tên lần đầu. Thực tế, bánh được làm từ những nguyên liệu thân thuộc như bột gạo nếp, trứng gà, đường trắng, mỡ lợn sạch..., có hình tròn vo, màu vàng óng giống trái nhãn nên người dân địa phương đặt tên như vậy. 

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nguyễn Văn Quang - chủ cơ sở làm bánh nhãn ngon nổi tiếng ở xã Hải Phương (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, gạo nếp và trứng gà là 2 nguyên liệu chính làm bánh nhãn mà không cần thêm bất cứ chất phụ gia nào nên cần chọn loại ngon, lấy từ cơ sở uy tín.

Bánh nhãn vàng ươm, làm từ đôi bàn tay khéo léo của con người Hải Hậu.

Bánh nhãn vàng ươm, làm từ đôi bàn tay khéo léo của người Hải Hậu. Ảnh: Hương Giang.

Để làm ra loại bánh thơm ngon, giòn tan, người làm chuẩn bị kỹ lưỡng từ giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu đến vò bột, rán bánh, tẩm đường. Gạo phải chọn nếp bắc (nếp cái hoa vàng), hạt đều, trắng, không lẫn thì bánh thơm, bùi hơn.

Tiếp đó, người làm cần sàng gạo để loại bỏ sạn, những hạt sâu... sau đó xay thành bột mịn, đánh đều tay với trứng gà. Bột đạt chuẩn phải mịn, mềm và không dính tay. 

"Độ ngon, giòn, nở của bánh phụ thuộc vào tỷ lệ bột và trứng bởi bột bánh không thêm bất kỳ chất phụ gia nào nên nếu quá nhiều bột hoặc trứng, bánh sẽ không ngon, giòn, bị phồng rộp", ông Quang chia sẻ.

Sau khi nhào xong, bột được chia nhỏ, vo tròn thành những viên bằng đầu ngón tay sau đó rán nhỏ lửa trong chảo lớn ngập mỡ. Bánh bắt đầu ngả vàng, đủ độ phồng cần vớt ra, để ráo mỡ.

Theo ông Quang, mỡ lợn có nhiệt độ sôi lớn hơn dầu ăn mà không bị cháy nên bánh rán sẽ thơm, giòn, dậy mùi của gạo và trứng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ nênchọn mua mỡ lợn sạch của người quen, tránh mua phải lợn bệnh, kém chất lượng.

Tiếp đến là công đoạn thắng đường - bước quan trọng quyết định độ ngon, giòn của bánh nhãn. Khi đường trắng được nấu chảy, người dân sẽ khéo léo đảo đều bánh để đường ngấm cả trong mà ngoài, tạo "lớp áo" trắng mịn nhưng không quá dày. Lúc này bánh có vị thơm của trứng, dẻo của gạo nếp, ngọt nhẹ của đường trắng mà lại giòn tan trong miệng. 

dac-san-banh-nhan-nam-dinh-1

Bánh nhãn là món quà vặt được nhiều người yêu thích. Ảnh: Huệ Chi.

Bánh nhãn chia làm 2 loại, tùy loại trứng gà và hàm lượng đường. Trong đó, bánh làm từ trứng gà ta (nhà tự nuôi) có giá cao hơn, khoảng 100.000-120.000 đồng và trứng gà thường giá chỉ từ 60.000-80.000 đồng một kg. 

"Bánh nhãn làm bằng trứng gà ta có kích thước to, mùi thơm, bùi hơn các loại khác nhưng giá thành cao nên đa phần chỉ những người sành ăn hoặc mua làm quà biếu đặt trước, nhà tôi mới làm. Trứng gà cũng được gom trong nhà dân chứ không có sẵn như loại khác", ông Quang cho biết thêm.

Hiện, bánh nhãn được tiêu thụ rộng khắp Nam Định và địa phương lân cận. Nhâm nhi với một chén trà xanh, mọi người không thể quên hương vị thơm giòn, béo ngậy quyện cùng vị mát ngọt của trà.

Đây là thức quà quê không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của những người con xa xứ, tạo nét riêng cho nền ẩm thực địa​ phương để mỗi lần nhắc đến bánh nhãn, mọi người luôn nhớ về vùng đất ven châu thổ sông Hồng này. Mỗi viên bánh chứa đựng hương vị của đất trời, sự tỉ mẩn, khéo léo của người dân cần cù, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

Huệ Chi

Chia sẻ bài viết qua email