Câu chuyện giành lại vỉa hè thời gian gần đây lại trở nên "nóng" hơn khi Hà Nội ra quân dọn dẹp vỉa hè trên nhiều tuyến phố trung tâm. Vỉa hè là một làn đường giao thông dành riêng cho người đi bộ, thế nên nó cũng cần ứng xử một cách bình đẳng giống như làn đường dành cho ôtô, xe máy, xe đạp trong đô thị hiện đại. Chính quyền đô thị có thể nói là thất bại trong quản lý vỉa hè suốt nhiều năm qua, một phần vì đã định nghĩa sai nguyên nhân lấn chiếm vỉa hè và thiếu công cụ hành động.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này thì có khá nhiều. Đó có thể là do biểu hiện tiêu cực của chính quyền địa phương, dung túng cho lấn chiếm vỉa hè. Ngoài ra, tâm lý chiếm dụng tràn lan trong xã hội khiến nhiều người muốn lấn chiếm vỉa hè làm của riêng. Để lâu dài, nó sẽ hình thành thói quen coi thường pháp luật, thích phá rào.
Một yếu tố khác là câu chuyện lợi ích và sự công bằng. Khi một hộ gia đình kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với các hộ tôn trọng luật (vì họ che hết cả nhà hàng xóm), làm người khác không bán được hàng. Nên vì "miếng cơm manh áo", các hộ khác cũng lấn ra theo để thu hẹp lợi thế kinh doanh, dẫn đến tư duy nguy hiểm là cứ phá luật sẽ kiếm được tiền.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Giải pháp cần tạo ra lợi ích, triệt tiêu thay đổi thói quen tư lợi này, tạo môi trường công bằng cho người bán hàng. Làm được vậy thì không ai cần lấn vỉa hè nữa cả. Vì tôi tin đa số người dân vẫn muốn tôn trọng luật lệ. Muốn vậy, chúng ta cần một công cụ tài chính: thẻ tín dụng ngân hàng và một trang web hành chính dịch vụ công của thành phố.
Tôi đề xuất nên bắt đầu áp dụng từ các cửa hàng ăn uống (các ngành kinh doanh trên vỉa hè nhiều nhất) rồi sau tiến tới nhiều ngành nghề khác. Theo đó, mỗi cửa hàng mặt phố khi mở ra kinh doanh cần đăng ký một thẻ tín dụng đứng tên chủ kinh doanh. Sau đó, cứ mỗi khi bị phát hiện hộ kinh doanh nào vứt một cái bàn, cái ghế nào ra vỉa hè, chỉ cần có người đi qua chụp ảnh, quay video lại nơi đó sẽ bị xử phạt ngay (trừ tiền qua thẻ tín dụng và nhắn tin vào số điện thoại chủ cơ sở kinh doanh), không cần biên bản, không cần báo trước cho chủ cửa hàng, không cần đôi co tranh cãi, xin xỏ. Nếu sau đó chủ cửa hàng không khắc phục vi phạm, họ sẽ tiếp tục bị phạt thêm một lần nữa.
>> Những quán nước thách thức cuộc chiến giành vỉa hè
Người dân qua đường, hàng xóm xung quanh, nếu chụp ảnh hoặc quay video vi phạm và gửi lên trang web hành chính công của thành phố sẽ được nhận một phần số tiền phạt. Nó sẽ tạo ra lợi ích cho chính quyền địa phương thu tiền phạt một cách minh bạch. Xin nói thêm, tiền trong thẻ của chủ cơ sở kinh doanh vi phạm lấn chiếm vỉa hè cần phải bị trừ ngay, tiền đó là nợ của ngân hàng nên chủ thẻ không thể thoát nợ được.
Mở rộng ra, khi đăng ký xe máy, ôtô mới, chúng ta có thể dùng ngay xe đó thế chấp đăng ký thẻ tín dụng, xem đây là một quy định bắt buộc. Chỉ cần ai phạm lỗi giao thông (vượt đèn đỏ, đi sai làn, đậu xe bừa bãi, chạy quá tốc độ bị ghi hình, cũng sẽ bị trừ ngay trong thẻ tín dụng. Hay như với giấy phép xây dựng nhà ở, cũng cần quy định phải có thẻ tín dụng dùng chính sổ đỏ chủ nhà thế chấp khi xin phép xây dựng , thẻ có thời hạn đến khi có hồ sơ hoàn công. Cứ lấn ban công, trổ cửa sổ sang nhà hàng xóm, vứt nguyên vật liệu bừa bãi, xây cao quá độ giấy phép, quá tầng... là chủ công trình sẽ bị trừ tiền ngay trong thẻ.
Để loại trừ tiêu cực, như tôi đã nói ở trên, đó là chúng ta có thể trích phần trăm tiền phạt để chia cho người phát hiện, tố giác sai phạm. Nếu không, mọi hình phạt, dù hà khắc đến đâu, vẫn sẽ bị tiêu cực bao che, dung túng. Thẻ tín dụng và trang web hành chính công, cũng như điện thoại cá nhân sẽ ngăn chặn hiện tượng tham nhũng vặt. Cái chúng ta cần là xây dựng một xã hội tử tế, thế nên rất cần những con người tử tế, tôn trọng luật chơi chung. Đây cũng là cách mà Singapore đã tạo nên thành phố của họ hiện tại.
Đừng hy vọng vào việc giáo huấn những người 40, 50, 60 tuổi đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè kia sẽ thay đổi văn hóa, hãy làm điều đó với những đứa trẻ 4, 5, 6 tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ có phạt tiền mới buộc người trưởng thành thay đổi thói quen xấu mà thôi. Còn chuyện thu phí vỉa hè sẽ tạo ra tiêu chuẩn kép trong luật pháp, nên tốt nhất không nên áp dụng thỏa hiệp với lấn chiếm vỉa hè.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.