Tàu hộ vệ tên lửa Bayern của Đức và hơn 200 thành viên thủy thủ đoàn rời cảng Wilhelmshaven hôm 2/8, bắt đầu hành trình đến châu Á - Thái Bình Dương với các điểm dừng chân dự kiến tại Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc và Australia. Chiến hạm Đức dự kiến đi qua Biển Đông vào giữa tháng 12 trong hành trình trở về nước, đánh dấu lần đầu một chiến hạm Đức xuất hiện tại khu vực này trong gần 20 năm.
"Tôi nghĩ đây là diễn biến quan trọng nhưng không quá bất ngờ. Anh đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông và bây giờ đến lượt Đức. Tôi nghĩ mục đích và mục tiêu của họ đều tương đồng nhau, đó là cảnh báo Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế và tránh gây leo thang căng thẳng trong khu vực", Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên ngành luật quốc tế tại Đại học Indonesia, chia sẻ với VnExpress.
Các chuyên gia cho rằng Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng đã chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân nhiều nước trong 10 năm qua, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này với thế giới. Mỹ liên tục thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, trong khi Nhật Bản, Australia, Canada và Ấn Độ đã điều tàu chiến diễn tập trên Thái Bình Dương.
"Hành trình này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của Đức với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau những hành động gần đây của các cường quốc châu Âu khác như Anh và Pháp", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, nêu quan điểm.
Theo Pitlo, quyết định điều tàu chiến qua Biển Đông của Đức có thể nhằm ủng hộ duy trì luật pháp và thông lệ quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải ở những vùng biển quan trọng với thương mại quốc tế. "Động thái này cũng nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý và hoạt động đi ngược lại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trên biển", ông nói.
Chuyên gia Darmawan nhận định hành động của Đức cho thấy các nước châu Âu đang ngày càng quan tâm tới châu Á, ngay cả những nước xa xôi như Pháp, Đức và Hà Lan đã đề xuất chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu cũng công bố chiến lược tương tự vào tháng 4, dù các quan chức khối này sau đó khẳng định nó không nhằm chống Trung Quốc.
"Thủ tướng Anh Boris Johnson đã mời lãnh đạo Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, cho thấy rõ ràng vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc được đề cập nhiều trong chương trình nghị sự", Darmawan cho hay.
Trong hành trình của mình, tàu hộ vệ Bayern sẽ tham gia chiến dịch chống cướp biển của Liên minh châu Âu (EU) ở vùng biển phía đông châu Phi và giám sát lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên.
Giới chức Đức cho biết chiến hạm sẽ di chuyển trên những tuyến hàng hải thương mại thông thường, không đi qua eo biển Đài Loan và cũng không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông. Berlin nhấn mạnh nhiệm vụ của tàu Bayern không nhắm trực tiếp đến quốc gia nào, thêm rằng Đức đã đề xuất cho chiến hạm này cập một cảng ở Trung Quốc "để duy trì đối thoại".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân sau đó dọa không cho tàu Bayern cập cảng Thượng Hải nếu Đức không làm rõ thông tin về hải trình của hộ vệ hạm này ở Biển Đông.
"Việc không tiết lộ cụ thể hành trình cũng có thể mang lại lợi ích cho nỗ lực phát tín hiệu của Đức đến Trung Quốc. Điều này giúp họ thể hiện quan điểm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng cũng khó dẫn tới những cuộc chạm trán gây căng thẳng trong khu vực", Arnaud Boehmann, chuyên gia về chính sách an ninh Đông Á tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định.
Những chuyến áp sát phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Biển Đông hiện chỉ do hải quân Mỹ thực hiện. Các quốc gia đồng minh của Mỹ thường triển khai lực lượng ở khá xa những khu vực này.
Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu đây là chuyến di chuyển duy nhất, hay hải quân Đức có thể thường xuyên điều lực lượng đến khu vực và duy trì hiện diện lâu dài. Chính phủ Đức đã nhiều lần công khai thừa nhận hạn chế về năng lực hải quân, trong khi tình trạng sẵn sàng chiến đấu của nhiều hệ thống vũ khí chủ lực trong biên chế nước này cũng bị đặt dấu hỏi.
Bayern là hộ vệ hạm lớp Brandenburg của hải quân Đức, được biên chế tháng 6/1996. Các chiến hạm lớp Brandenberg có chức năng chính là săn ngầm, nhưng cũng có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không, chỉ huy chiến thuật cho biên đội tàu mặt nước và tác chiến đối hải.
Đây không phải chiến hạm mới và uy lực nhất trong lực lượng tàu mặt nước của hải quân Đức, khả năng răn đe của nó cũng rất giới hạn. Điều này có thể hạn chế khả năng Trung Quốc đưa ra phản ứng quyết liệt và gia tăng nguy cơ đụng độ nếu so sánh với các chuyến tuần tra tự do hàng hải của khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga hiện đại nhất trong biên chế hải quân Mỹ, hay những cuộc diễn tập của tàu ngầm và tàu sân bay trực thăng Nhật Bản ở Biển Đông.
"Đức sẽ phải cẩn trọng nhằm cho thấy những hành động của họ không nằm trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Quan hệ kinh tế và công nghệ chặt chẽ với Bắc Kinh là những yếu tố chủ chốt đang được Berlin tính tới. Việc không có lãnh thổ hải ngoại hoặc căn cứ nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng cản trở khả năng duy trì nhiệm vụ như vậy về lâu dài", Pitlo nhận định.
Vũ Anh