"Chúng tôi hoan nghênh Đức ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong duy trì một trật tự hàng hải rộng mở", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 3/3.
"Mỹ có lợi ích quốc gia trong duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác", thông cáo có đoạn.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố trên sau khi các quan chức chính phủ Đức ngày 2/3 thông báo một hộ vệ hạm của nước này sẽ tới châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trên hành trình trở về.
Đây sẽ là chiến hạm đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002, song chưa rõ tên của hộ vệ hạm sẽ di chuyển qua đây. Các quan chức Đức cho biết chiến hạm nước này sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 3/3 cho biết các nước "đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, song không nên sử dụng điều này làm cớ gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của các nước ven biển".
Các nguồn tin cho biết hộ vệ hạm của Đức có thể tới thăm Nhật Bản và ghé cảng Hàn Quốc cùng Australia, nhằm thể hiện trọng tâm hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Berlin. Đây là động thái hiếm gặp bởi Đức không có lãnh thổ ở khu vực này như Anh và Pháp.
Chính phủ Đức năm 2020 phê chuẩn định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật và thúc đẩy các thị trường mở trong khu vực. Triển khai chiến hạm tới khu vực sẽ là bước đầu tiên trong hiện thực hóa chiến lược trên.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông, bồi đắp, cải tạo, xây dựng tiền đồn quân sự và cho binh sĩ đồn trú trái phép trên các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mỹ từng bác yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc, gọi đây là điều "hoàn toàn trái pháp luật".
Hải quân Mỹ thường triển khai các chiến dịch tự do hàng hải tại Biển Đông, trong đó điều chiến hạm áp sát các thực thể tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi đồng minh triển khai hoạt động tương tự. Pháp hồi tháng 2 cho biết một tàu ngầm tấn công hạt nhân và một chiến hạm của nước này đã tuần tra tại Biển Đông để "nhấn mạnh quyền tự do hàng hải".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)