Để nhìn nhận và đánh giá một cách chính xác thực trạng lao động trung niên trước nguy cơ bị sa thải, chúng ta cần đặt trong mối quan hệ cung cầu và giá trị. Doanh nghiệp là một đơn vị kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nên việc phải gia tăng hiệu quả là nhiệm vụ bắt buộc. Do tính chất đó, mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp phải dựa trên mối quan hệ năng suất lao động - tiền lương. Người lao động bán giá trị sức lao động còn doanh nghiệp trả lương để mua lại giá trị sức lao động đó.
Như vậy, trong mối quan hệ này, người lao động là chủ thể tạo ra hàng hóa và bán hàng hóa (sức lao động). Nhưng hàng hóa muốn tiêu thụ được thì phải phù hợp với nhu cầu của thị trường, cạnh tranh được về giá... Điều này buộc người lao động phải luôn học hỏi, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức để nâng cao giá trị hàng hóa (sức lao động) của mình. Nếu làm được điều đó thì chắc chắn bạn sẽ không phải lo sợ bị sa thải khi bước vào độ tuổi trung niên".
Đó là quan điểm của độc giả Lại Quốc Đoàn về nỗi lo bị sa thải của lao động trung niên. Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nền kinh tế và yêu cầu với nguồn nhân lực lúc này đang theo xu hướng mới, tức lao động vừa phải có bằng cấp, tay nghề, vừa phải phù hợp với thời kỳ ứng dụng công nghệ. Trong xu hướng này, lao động trung niên có thể trở thành nhóm "dễ bị tổn thương" nếu vẫn ỷ lại "có kinh nghiệm và hiểu biết cuộc sống", sự tích cực, xông xáo bị giảm dần.
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Viet Bui phân tích: "Đúng là phần nhiều lao động trên 40 tuổi đều không còn khả năng học và tiếp thu tốt như thời trẻ. Theo tôi, những người lớn tuổi một chút phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng thì mới có thể tiếp tục làm việc ổn định được. Họ sẽ phải phấn đấu lên làm quản lý, lãnh đạo; hoặc làm chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp; hoặc làm các công việc hỗ trợ các lĩnh vực mũi nhọn đang phát triển... thay vì đâm đầu vào các lĩnh vực mũi nhọn đang phát triển vì kiến thức thu thập của họ đa phần đã cũ và không hợp thời.
Hơn nữa, khả năng cạnh tranh và tiếp thu công nghệ mới của người lớn tuổi cũng sẽ chậm hơn người trẻ cả về cơ học lẫn trí tuệ. Còn đánh giá về mức lương sẽ khó so sánh vì tùy vào người sử dụng lao động quyết định. Có một số chuyên ngành cần người có nhiều năm kinh nghiệm chuyên sâu thì người lớn tuổi lại là một lợi thế.
Thường các trào lưu phát triển công nghệ và công việc thường chỉ giới hạn trong 10-20 năm. Vậy nên, sau một khoảng thời gian, bạn phải đánh giá được sự phát triển của ngành nghề mình đang theo. Nếu thấy nó có xu hướng đi xuống thì phải chuyển ngành nghề. Ngay cả khi đang ở trên cao trào mà thấy ngành nghề khác có xu hướng phát triển hơn thì cũng nên thử rẽ hướng mới xem có phù hợp với năng lực của mình không?
Như chính bản thân tôi, nếu không mạnh dạn chuyển nghề 3-4 lần rồi thì chắc giờ này cũng đang ngồi im hơi lặng tiếng ở một xó xỉnh nào đó, không ai biết đến và lo lắng đến ngày mình bị sa thải. Tóm lại, người lao động vẫn cần phải động não để phát triển bản thân cũng như nhìn nhận xu hướng phát triển của xã hội về thích ứng".
>> Nỗi lo bị sa thải ở tuổi 40
Năm 2023, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, theo Tổng cục Thống kê.Nhóm lao động trung niên bị sa thải có chiều hướng tăng mạnh, gấp 1,6 lần năm 2021. Riêng TP HCM, số người trên 40 tuổi mất việc chiếm gần 30%. Các chuyên gia đánh giá 2024 là năm khó khăn với những lao động trung niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh hơn.
Đứng từ góc nhìn của người lao động, độc giả Vteotran cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này đến từ chính các doanh nghiệp: "Chẳng phải do người lao động trung niên thiếu năng nổ, nhạy bén hay sáng tạo gì cao siêu cả. Theo tôi, lý do chính khiến các doanh nghiệp muốn sa thải người có thâm niên là do phải trả mức lương cao.
Trong khi đó, tuyển một người mới vào, lương chỉ bằng 50% người cũ, nếu năng lực của họ chỉ cần bằng 60% người cũ thôi là công ty đã có lợi rồi. Người làm quản lý luôn tính toán từng đồng chi phí nên chuyện sa thải nhân viên trung niên là điều dễ hiểu. Rồi cũng tới lúc thế hệ Gen Z bước vào tuổi trung niên và vòng lặp đào thải sẽ lại tiếp diễn".
Cũng cho rằng làn sóng sa thải người lao động trung niên là cách tối ưu hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp, bạn đọc Quangnhut nhấn mạnh: "Việc đòi hỏi người lao động trung niên phải cập nhật công nghệ mới để theo kịp xu hướng hiện đại là đúng. Tuy nhiên, những người U40, U50 cũng đã trải qua rất nhiều thời gian học tập, làm việc để lấy kinh nghiệm. Họ cũng cần thêm thời gian nghỉ ngơi khi sức khỏe, sự nhạy bén không còn như tuổi 20.
Chung quy vẫn chỉ là quy luật cung - cầu, việc làm ít trong khi số lượng người lao động lại quá đông, cạnh tranh các thế hệ ngày càng khốc liệt. Doanh nghiệp luôn tính toán rất kỹ, tuyển lao động trẻ lương thấp là các để họ tối ưu hóa lợi nhuận. Tại các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... tình trạng thiếu lao động vẫn khá nhiều, nên người lao động U50 của họ vẫn có việc làm chứ không bị doanh nghiệp kiếm cớ sa thải nhiều như một số công ty ở Việt Nam".
"Mất việc tuổi trung niên đã không còn là nỗi lo nữa mà đã trở thành hiện thực xảy ra trong khoảng 5-7 năm trở lại đây rồi. Rất nhiều lao động khi bước vào độ tuổi 40 trở lên đã bị doanh nghiệp sa thải hàng loạt. Các công ty luôn kiếm đủ cách để loại người lao động đã làm việc cho họ từ 15-20 năm. Lý do là số này khiến công ty phải trả lương cao hơn nhân viên mới.
Trong khi đó, lao động trẻ lại có hiệu suất lao động cao hơn lao động trung niên. Do đó, ban ngành các cấp cần xem xét lại luật về sử dụng lao động trung niên, đảm bảo việc làm cho người lao động còn đủ sức khỏe làm việc, thay vì để các doanh nghiệp nắm toàn quyền quyết định như hiện nay", độc giả Nguyenthangthan kết lại.
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.