Theo thống kê, từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam lại có ba doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau để cắt giảm chi phí. Đến tháng 8/2023, khoảng 13% người lao động ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải, đặc biệt là nhóm nhân viên và người đang thử việc. Tình trạng gia tăng cắt giảm lao động đã đạt đến ngưỡng đáng lo ngại, nhất là trong thời điểm cận Tết, khiến nhiều người bất an.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này liệu có phải chỉ nằm ở phía các doanh nghiệp? Tôi cho rằng, một phần quan trọng quyết định đến tình trạng mất việc còn phụ thuộc vào chính người lao động. Nếu các bạn không thể trở thành một chuyên gia trong chính lĩnh vực của mình, hay ít nhất là trong mảng chuyên môn hay nâng cao một vài kỹ năng đến mức thượng thừa, thì việc bị đào thải là tất nhiên và lỗi lớn thuộc về chính bạn.
Học trên trường chắc chắn sẽ không đủ để bạn đạt đến đẳng cấp đấy, quan trọng nhất là mỗi người phải biết tự học, tự rèn luyện trong quá trình làm việc để nâng cao vị thế của bản thân. Tiếc rằng, phần lớn các bạn trẻ lại dùng thời gian của mình một cách quá bừa bãi và lãng phí.
Như cuối tuần vừa rồi, tôi có việc chạy vòng qua khu công viên trước cổng Dinh Độc Lập, thấy toàn các bạn trẻ ra đó ngồi tám chuyện, uống cà phê, chụp hình sống ảo. Tôi nghĩ bụng, các bạn này nếu không tìm được việc, lương thấp, sẽ dễ dàng bị sa thải đầu tiên khi bão cắt giảm nhân sự xảy ra. Và khi điều đó đến, các bạn cũng không thể trách ai ngoài bản thân vì đã thiếu trách nhiệm với chính tương lai của mình.
Đổ thừa cho hoàn cảnh rất dễ. Nhưng bắt tay vào làm, nỗ lực để vượt lên mới khó. Tất cả đều cần thời gian và sự kiên trì chứ không thể chỉ ngồi một chỗ và kêu than. Khi rơi vào tình cảnh càng khó khăn, mỗi người càng cần phải kiên trì và bứt phá mạnh hơn nữa.
>> Bốn lần trắng tay, vỡ nợ cũng không đánh gục được tôi
Khi xưa, tôi cũng từng có thời điểm phải "cúi đầu sát mặt đất", nhưng rồi từ từ, nhờ sự nỗ lực bền bỉ tôi mới từng bước ngẩng mặt lên được với đời. Thời gian đầu sau khi ra trường của tôi là chuỗi ngày vừa học vừa làm liên tục 12-14 tiếng mỗi ngày, trong 3-4 năm. Sau đó, tôi lại tiếp tục làm đến mức trầm cảm trong 1-2 năm, tới khi sức cùng lực kiệt. Điều trớ trêu là tất cả các khó khăn này ập đến với tôi trong thời điểm kinh tế chung đang đi lên. Lúc đó, đa số người ta đều thong dong, vui vẻ, cân bằng cuộc sống, còn tôi lại đối mặt với vực thẳm trong sự nghiệp.
Nhưng rồi, vì quyết tâm không bỏ cuộc, đầu hàng số phận, tôi đã không để mình bị vùi dập trong nghịch cảnh. Để đến hôm nay, dù nền kinh tế có đang đi xuống, nhiều người mất việc, bị sa thải, đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, thì tôi vẫn ung dung ngồi đây với một điểm tựa vững chắc. Thế nên, nếu bạn cũng đang là nạn nhân của cơn bão sa thải nhân sự, hãy tự hỏi xem mình đã vùng vẫy được như thế chưa?
Muốn được thế, hãy bớt nhậu nhẹt mà tập trung tiết kiệm hết mức có thể, làm việc nhiều nhất có thể để tích lũy ngay từ bây giờ. Ngoài ra, hãy giảm bớt chơi bời, hưởng thụ khi chỉ mới bắt đầu sự nghiệp. Thay vào đó, hãy dành thời gian, công sức cho việc học hành thêm ở bên ngoài để tự nâng cao giá trị của bản thân. Nên nhớ rằng, bạn không thể yêu cầu người khác phải chậm lại để mình theo được. Xã hội luôn phát triển không ngừng, và chỉ cần một giây dừng lại, rất có thể bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Thế nên, hãy cố gắng khi còn có thể.
>> Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.