Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo chiều 5/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh người dân thành phố trải qua 67 ngày giãn cách xã hội và đã ghi nhận hơn 108.300 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.
Theo đó, gói hỗ trợ đợt 2 sẽ trao cho 3 nhóm, gồm: 344.000 lao động tự do mỗi người nhận 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí 501 tỷ đồng.
Nhóm thứ hai là 90.500 hộ nghèo, cận nghèo nhận 1,5 triệu đồng mỗi hộ, tổng kinh phí 150 tỷ đồng.
Nhóm thứ ba là 170.000 lao động nghèo, khó khăn ở nhà trọ, trong khu cách ly được hỗ trợ 1,5 triệu mỗi người, tổng số tiền 254 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí chi trả lần thứ hai được duyệt nhiều hơn khoảng 140 tỷ đồng so với đề xuất trước đó do tăng tiền hỗ trợ (từ một triệu đồng lên 1,5 triệu đồng) với nhóm thứ hai và ba.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương triển khai cho các phường, xã , ấp, khu phố... phải đến từng nhà trọ, nhà dân để trao triền hỗ trợ. Việc trao tiền phải thực hiện từ hôm nay đến hết ngày 10/8, không được chậm trễ.
Theo ông Tấn gói hỗ trợ đợt hai không phân biệt nguời tạm trú hay thường trú. Tất cả lao động nghèo hiện có mặt ở TP HCM sẽ được xem xét giúp đỡ.
Đây là lần thứ hai trong năm TP HCM triển khai gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng Covid-19. Hồi cuối tháng 6, thành phố thông qua gói hỗ trợ đầu tiên với 886 tỷ đồng. Ngoài 344.000 lao động tự do, gói còn giúp đỡ 80.000 lao động dừng việc; 60.000 điểm kinh doanh ở chợ truyền thống; 9.000 hộ kinh doanh dừng hoạt động; người cách ly tập trung; lực lượng phòng chống dịch..
Tại buổi họp báo, Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi nêu thực trạng, sau thời gian dài giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ. Nhiều người đã không có thu nhập, tích lũy cạn dần sau 2 tháng. Vì vậy, thành phố sẽ huy động tất cả nguồn lực từ xã hội hóa đến ngân sách hỗ trợ người dân.
Ông Mãi khẳng định thành phố không thiếu nguồn lực trong thời điểm này, nhưng điểm quan trọng là làm sao để mang nguồn lực giúp đỡ từng người. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền thành phố cần nhạy bén và bao quát hơn để đáp ứng việc hỗ trợ người dân.
"Việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ là nhiều tuần, nhiều tháng tới. Chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực từ bà con thành phố và cả nước, bằng ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết", ông Mãi nói.
Trong công điện yêu cầu 19 tỉnh thành phía Nam kéo dài thêm 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hôm 31/7, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải sớm có những biện pháp hỗ trợ đời sống, y tế để người dân yên tâm "ai ở đâu ở đấy", không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Hữu Công