Ngày 26/2, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tình báo Mỹ đã đề nghị giúp sơ tán Tổng thống Volodymyr Zelensky khỏi Kiev. Họ dường như không tin rằng quân đội Ukraine có đủ khả năng chống cự trước đà tiến của lực lượng Nga và di tản là phương án sẽ được ông Zelensky dễ dàng chấp thuận.
Nhưng Zelensky đã thẳng thừng từ chối. "Cuộc chiến đang diễn ra ở đây, tôi cần đạn dược, không phải là một chuyến sơ tán", Tổng thống Ukraine nói.
Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra ở Afghanistan 7 tháng trước đó, khi Taliban tiến như chẻ tre và áp sát thủ đô Kabul. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vội vã chạy sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong khi quân đội tan rã, vứt bỏ quân phục và vũ khí.
Tình báo Mỹ đã đánh giá sai tinh thần chiến đấu của cả hai nước. Tại Afghanistan, cơ quan tình báo dự đoán chính quyền Ghani và quân đội có thể cầm cự ít nhất 6 tháng sau khi Mỹ rút quân. Trong khi đó tại Ukraine, họ cho rằng quân đội Nga sẽ tiến vào thủ đô Kiev trong hai ngày sau khi bắt đầu chiến dịch.
"Đánh giá ý chí chiến đấu trước một cuộc xung đột như thế này rất khó. Tuy nhiên, bài học năm ngoái là chúng tôi phải tìm cách làm được điều đó", thượng nghị sĩ Angus King, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói. "Nếu chúng tôi biết trước người Ukraine kháng cự quyết liệt thế nào và Nga không thực sự mạnh đến vậy, chúng tôi có thể chuẩn bị trước nhiều thiết bị hơn và hỗ trợ cho Ukraine nhanh hơn, dựa trên nhận định rằng họ thực sự có cơ hội".
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, một số chuyên gia về Ukraine đã nói với Nhà Trắng và quốc hội rằng chính phủ và người dân Ukraine có thể kháng cự lực lượng Nga. Tuy nhiên, trung tướng Scott D. Berrier, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, lại cho rằng người Ukraine chưa chuẩn bị sẵn sàng. "Tôi đã hoài nghi ý chí chiến đấu của họ. Đó là một đánh giá tồi của tôi, bởi họ đã chiến đấu rất ngoan cường", ông Berrier nói.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton cho biết các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã đánh giá rằng quân đội Nga rất mạnh trước khi họ mở chiến dịch quân sự. Nhưng khi lực lượng Nga bắt đầu tiến vào Ukraine, thực tế chiến trường cho thấy nhận định của tình báo Mỹ về cả hai bên đều không đúng. Tuy nhiên, ông thêm rằng đánh giá mức độ hiệu quả phòng thủ của một quốc gia trước nguy cơ tấn công là rất khó.
"Ý chí chiến đấu không phải là lĩnh vực mà bạn có thể dễ dàng thu thập thông tin tình báo. Nó không giống như lực lượng không quân có bao nhiêu máy bay chiến đấu đang hoạt động. Nó mang đậm tính chất chủ quan", Cotton nói.
Adam B. Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng tình báo Mỹ không phải hoàn toàn sai lầm khi đánh giá tình hình ở cả Ukraine và Afghanistan. Mùa hè năm ngoái, họ đã nhiều lần cảnh báo rằng chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ và các lãnh đạo quân đội sẽ đầu hàng Taliban.
Schiff từng hỏi trong các cuộc họp tình báo rằng liệu Ukraine có chiến đấu chống lại chiến dịch quân sự của Nga hay không và câu trả lời là có. Chỉ có điều tình báo Mỹ không thể biết chính xác điều đó diễn ra như thế nào.
"Nếu có một điểm mù tình báo, tôi nghĩ nó nằm ở giữa hai thái cực, một bên là quan điểm Ukraine sẽ không chiến đấu và bên kia là nhận định rằng quân đội Nga mạnh hơn những gì đã thể hiện", Schiff nói.
Theo các cơ quan tình báo Mỹ, Nga sẽ vấp phải rất ít kháng cự của quân đội Ukraine và có thể nhanh chóng tiến vào Kiev, thay vì phải tham gia vào một cuộc chiến tiêu hao, vây hãm chậm chạp.
"Không ai nghi ngờ ý chí của người Ukraine, nhưng với lực lượng quân đội nhỏ, các nhà phân tích đánh giá khả năng chiến đấu của họ có giới hạn", Douglas H. Wise, quan chức cấp cao CIA về hưu và từng là phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, nói.
Đánh giá đó được chứng minh là sai lầm khi lực lượng Nga gặp nhiều khó khăn về hậu cần, thiếu hiệp đồng tác chiến trên chiến trường rộng lớn và gặp nhiều khó khăn trong duy trì đường dây liên lạc bảo mật, theo các cựu quan chức tình báo Mỹ.
Tình báo Mỹ cũng không có cách nào dự đoán được khả năng lãnh đạo của Tổng thống Zelensky, người đã được chứng minh là chìa khóa quan trọng trong nỗ lực kháng cực và kêu gọi đất nước chiến đấu. Một lý do dẫn tới đánh giá sai lầm của tình báo Mỹ là chính phủ Ukraine, trong đó có ông Zelensky, từng không tin rằng Nga sẽ mở chiến dịch quân sự.
Hai tuần trước chiến dịch, ông King đã hỏi các quan chức tình báo Mỹ rằng Tổng thống Zelensky sẽ ứng phó với một cuộc tấn công như thế nào. Ông tin rằng nếu Tổng thống Ashraf Ghani không chạy trốn khi đối mặt với Taliban, chính quyền Kabul có thể tồn tại lâu hơn. Do đó, ông muốn biết Tổng thống Ukraine sẽ làm gì.
Các quan chức tình báo Mỹ trả lời rằng Tổng thống Zelensky đã công khai đánh giá thấp khả năng Nga tiến quân vào Ukraine, nhưng họ không thực sự biết ông ấy sẽ phản ứng ra sao. Nhưng cuối cùng, trong tình thế khó khăn, Zelensky đã thể hiện được vai trò "Tổng thống thời chiến" của mình, theo King.
Tình báo Mỹ từng phạm phải nhiều sai lầm trong đánh giá sức mạnh của các lực lượng thân phương Tây mà họ xây dựng, huấn luyện và trang bị ở Iraq và Afghanistan. Các quan chức Mỹ tin rằng đội quân mà họ đã huấn luyện sẽ chiến đấu lâu hơn và kiên cường hơn, nhưng mọi thứ không diễn ra như dự tính. Các cựu quan chức tình báo cho biết gần như không thể đưa ra phân tích khách quan về tinh thần chiến đấu của đội quân đối tác trong các tình huống đó.
Tuy nhiên, liệu Mỹ có thể xử lý các đánh giá tình báo trong tương lai tốt hơn hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, theo Julian E. Barnes, nhà phân tích của NY Times.
Tình báo Mỹ đánh giá chiến dịch của Nga đang diễn tiến không thuận lợi, nhưng họ tin Tổng thống Vladimir Putin sẽ điều chỉnh chiến lược và tăng cường sức ép để phương Tây chấm dứt ủng hộ Ukraine.
Một số nghị sĩ cho rằng nhận định trên cho thấy tình báo Mỹ vẫn đang đánh giá thấp quân đội Ukraine. "Tổng thống Ukraine tuyên bố muốn đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ", thượng nghị sĩ Cotton nói. "Một tháng trước, bạn không nghĩ tới điều này, nhưng giờ phải thừa nhận rằng nó là một khả năng".
Thanh Tâm (Theo NY Times, The Hill)