Tình hình chiến trường ở Ukraine những ngày gần đây cho thấy lực lượng hai nước đang lâm vào tình thế bế tắc, khi cả hai bên đều cố giữ mục tiêu chiến lược và không thể tung ra những đợt tấn công quy mô lớn. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các đồng minh phương Tây tuyên bố tăng viện trợ cho Kiev và áp thêm lệnh trừng phạt mới với Moskva, nhằm gia tăng sức ép với Nga.
Tuy nhiên, những cam kết đó dường như không đáp ứng được đề nghị của Tổng thống Ukraine về tăng viện trợ quân sự mạnh mẽ hơn cho quốc gia này. Các lãnh đạo phương Tây vẫn duy trì thái độ thận trọng trong cung cấp vũ khí cho Kiev, nhằm tránh leo thang xung đột vượt ra khỏi biên giới Ukraine.
Tranh cãi về sơ tán dân thường sang Nga
Moskva và Kiev đang đưa ra những tuyên bố trái ngược về vấn đề sơ tán dân thường Ukraine tới Nga, trong bối cảnh chiến sự không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giới chức Ukraine cáo buộc quân đội Nga tịch thu hộ chiếu của công dân Ukraine rồi đưa những người này tới khu trại do phe ly khai kiểm soát ở miền đông, trước khi chuyển họ tới những khu vực hẻo lánh tại Nga.
Thanh tra viên Ukraine Lyudmyla Denisova cho rằng 402.000 người dân nước này, trong đó có 84.000 trẻ em, đã bị sơ tán theo diện như trên. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng tố Nga có ý định "sử dụng người dân làm con tin và gây thêm áp lực chính trị lên Ukraine".
Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định dân thường Ukraine được sơ tán theo nguyện vọng của họ. Tướng Nga Mikhail Mizintsev cho biết khoảng 400.000 dân thường được sơ tán tới Nga đều là người đến từ Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, nơi phe ly khai đã chiến đấu để giành quyền kiểm soát trong gần 8 năm. Moskva cũng nhiều lần cáo buộc phía Kiev cản trở hoạt động sơ tán để "dùng dân thường làm lá chắn sống".
Ukraine kêu gọi NATO viện trợ xe tăng
Trong bài phát biểu qua video trước các lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng phương Tây phải viện trợ cho nước này "không giới hạn" để đối phó lực lượng Nga.
Ông Zelensky cho biết Ukraine đề nghị NATO viện trợ hoặc bán lại 500 xe tăng, mà ông cho là chỉ chiếm 1% số xe tăng trong biên chế các nước thành viên khối quân sự này. "Nhưng chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng", Zelensky nói. "Điều tồi tệ nhất trong cuộc xung đột này là không có câu trả lời rõ ràng cho các đề nghị trợ giúp".
Các lãnh đạo phương Tây không đáp ứng toàn bộ đề nghị từ Zelensky, song cam kết sẽ áp biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và tăng viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Phần Lan tuyên bố sẽ gửi thêm thiết bị quân sự cho Ukraine và Bỉ thông báo bổ sung một tỷ euro vào ngân sách quốc phòng để đối phó chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Mỹ trong khi đó thông báo sẽ đón 100.000 người tị nạn Ukraine và hỗ trợ thêm 1 tỷ USD thực phẩm, thuốc men, nước sạch cùng các nguồn cung khác cho nước này.
Bế tắc trên chiến trường
Gần một tháng sau xung đột, lực lượng Nga và Ukraine vẫn tiếp tục giao tranh khốc liệt. Hải quân Ukraine hôm 24/3 thông báo đánh chìm một tàu đổ bộ gần thành phố cảng Berdyansk, nơi được sử dụng để chuyển xe bọc thép cho lực lượng Nga. Moskva chưa lên tiếng về thông tin này.
Nga thông báo đã kiểm soát thêm thành phố Izyum ở tỉnh Kharkov. Đây là thành phố nằm ở phía đông Ukraine với dân số khoảng 54.000 người. Izyum gần như bị cắt toàn bộ liên lạc kể từ khi Nga và Ukraine giao tranh dữ dội tại đây từ tuần trước.
Quan chức địa phương tại Chernihiv, thành phố phía bắc Ukraine, cáo buộc quân đội Nga cố tình nhắm mục tiêu vào các kho chứa lương thực. Một cây cầu quan trọng tại đây cũng bị phá hủy sau cuộc không kích trong tuần này.
Thư ký hội đồng thành phố Olexander Lomako ước tính rằng hơn 130.000 người dân, gần một nửa dân số trước khi nổ ra chiến sự, vẫn ở lại thành phố và lực lượng Ukraine vẫn nắm quyền kiểm soát tại đây.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn khác, tình thế trở nên bế tắc, khi lực lượng hai bên chủ yếu co cụm để giữ mục tiêu đang kiểm soát. Lực lượng Nga đối mặt với sức kháng cự mạnh của quân đội Ukraine, vốn được trang bị nhiều loại tên lửa chống tăng, phòng không hiện đại của phương Tây, nên không thể tiến quân nhanh chóng như những tuần đầu tiên.
Quân đội Nga dần điều chỉnh chiến thuật nhằm thích ứng với điều kiện tác chiến mới, chuyển từ thọc sâu sang tổ chức vây hãm. Thành phố cảng Mariupol ở đông nam Ukraine bị vây hãm trong nhiều tuần, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo với khoảng 400.000 người còn mắc kẹt tại đây.
Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov thông báo lực lượng dưới quyền ông đã kiểm soát tòa thị chính Mariupol. Ông Kadyrov tuyên bố lực lượng an ninh Chechnya sẽ "tiễu trừ các phần tử Azov", đề cập đến Tiểu đoàn Azov, lực lượng cực hữu của Ukraine, tại thành phố này.
Phương Tây đang gây áp lực cho Nga ra sao?
Các nước phương Tây tiếp tục áp thêm lệnh trừng phạt với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các lãnh đạo G7 thông báo đang hạn chế sử dụng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Mỹ cũng công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, 328 nghị sĩ và hàng chục người trong giới tài phiệt Nga. Nhà Trắng khẳng định các nỗ lực này nhằm giảm khả năng Nga sử dụng nguồn dự trữ quốc tế cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chính phủ Anh hôm 24/3 thông báo trừng phạt thêm 65 công ty và cá nhân liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có ngân hàng tư nhân lớn nhất nước này.
Mỹ và các đồng minh phương Tây trước đó áp đặt một số vòng trừng phạt với Nga, bao gồm loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ cũng áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin, phong tỏa tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông. Tuy nhiên, biện pháp này được đánh giá là chỉ mang tính biểu tượng.
Các nước kêu gọi điều tra chiến dịch quân sự của Nga
Hàng chục đại diện các nước tập trung ở La Haye hôm 24/3 để thể hiện cam kết ủng hộ cuộc điều tra của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Anh cho biết đang tăng cường hỗ trợ về kinh phí và chuyên gia cho cuộc điều tra của ICC. Pháp thông báo sẽ cử các thẩm phán, điều tra viên, chuyên gia tham gia cuộc điều tra, cũng như hỗ trợ tài chính 550.000 USD.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó thông báo chính quyền nước này đã tuyên bố "quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh". Mỹ không phải quốc gia thành viên của ICC, nhưng vẫn có thể giúp thu thập bằng chứng.
Nga chưa phản hồi về cáo buộc từ Mỹ, song nước này khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine" và chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự, không nhắm vào dân thường và các cơ sở dân sự.
Sau lời đề nghị của hàng chục quốc gia thành viên, trưởng công tố viên ICC Karim Khan hồi đầu tháng thông báo mở điều tra về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Công tố viên Khan cho biết sẽ làm việc "càng nhanh càng tốt". Ông đã tới thăm Ukraine trong khuôn khổ cuộc điều tra và cử nhân viên tới các khu vực để bắt đầu thu thập bằng chứng.
Ngọc Ánh (Theo AP)