Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt "nhằm phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine", sau nhiều tháng tập trung lực lượng quân sự đông đảo ở biên giới nước láng giềng. Chiến dịch bắt đầu bằng đợt oanh kích hàng loạt thành phố lớn của Ukraine, mở đường cho lực lượng Nga vượt biên giới từ nhiều hướng.
Ở phía đông, các đơn vị bộ binh, tăng thiết giáp Nga tiến vào vùng Donbass, nơi có lực lượng ly khai thân Moskva. Ở phía nam, các đơn vị Nga từ bán đảo Crimea áp sát thành phố Kherson và loạt thành phố nhỏ xung quanh. Tại phía bắc, lực lượng Nga từ lãnh thổ Belarus hành quân hướng về thủ đô Kiev của Ukraine.
Chiến lược ban đầu của Nga dường như là "tiến nhanh, thắng nhanh", đưa quân đổ bộ chiếm các mục tiêu quan trọng hàng đầu, dựa vào sức mạnh quân sự vượt trội để đánh bại quân đội Ukraine và xây dựng chính phủ mới thân thiện với Moskva, từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO, theo Danil Bochkov, thành viên Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga.
Tuy nhiên, ngoài mọi dự báo của giới chuyên gia quân sự, Nga đã không đạt được mục tiêu ban đầu là nhanh chóng kiểm soát các mục tiêu chiến lược ở Ukraine, dù vượt trội về quân số lẫn vũ khí hiện đại.
Đà tiến của quân đội Nga thuận lợi nhất ở vùng duyên hải phía nam Ukraine, khi họ kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Tại những địa điểm quan trọng còn lại như thành phố Kharkov, Mariupol và thủ đô Kiev, lực lượng Nga dường như đã bất ngờ trước sức kháng cự của quân đội Ukraine, vốn được phương Tây trang bị nhiều loại vũ khí chống tăng, tên lửa phòng không vác vai hiện đại.
Khả năng chống trả của quân đội Ukraine khiến đà tiến của lực lượng Nga chững lại. Càng tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine, các đơn vị Nga càng đối mặt với nhiều thách thức về mặt hậu cần, khiến đoàn xe quân sự dài 64 km của họ ở ngoại ô Kiev bị ùn lại suốt nhiều ngày, cuối cùng phải tản ra thành các đội hình nhỏ hơn ẩn nấp trong các cánh rừng.
Khi giao tranh bước vào tuần thứ tư, giới chuyên gia đánh giá tình hình chiến trường đã lâm vào thế bế tắc, khi lực lượng giữa hai bên giằng co tại các mục tiêu quan trọng và không thể tổ chức những đợt tấn công lớn gây thiệt hại nặng cho đối phương.
Quân đội Nga cũng dần điều chỉnh chiến thuật nhằm thích ứng với điều kiện tác chiến mới, chuyển từ tiến quân nhanh chóng sang tổ chức vây hãm. Thành phố cảng Mariupol ở đông nam Ukraine bị vây hãm trong nhiều tuần, khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo với khoảng 400.000 người còn mắc kẹt tại đây.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, không tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và dân thường, trong khi Kiev thường xuyên cáo buộc lực lượng Nga pháo kích, ném bom mục tiêu dân sự.
Moskva bác bỏ các cáo buộc này, chỉ trích các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine dùng dân thường làm "lá chắn sống" bằng cách bố trí khí tài, vũ khí ở khu dân cư. Nga cũng khẳng định lực lượng "phát xít mới" ở Ukraine dàn dựng các vụ tấn công mục tiêu dân sự ở Mariupol.
Trong một cuộc phỏng vấn với VnExpress, chuyên gia khoa học chính trị Timofey Bordachev, phó giáo sư Khoa Kinh tế Thế giới và Các vấn đề Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp - Đại học Nghiên cứu Tổng hợp Quốc gia Nga (HSE), cho rằng chiến dịch quân sự tiến triển chậm hơn kỳ vọng do Moskva muốn hạn chế thương vong cho dân thường.
Ông Bordachev nhấn mạnh Nga nhận thức rõ về hệ lụy của xung đột vũ trang đối với tính mạng dân thường và không tiến hành các hoạt động quân sự có thể gây thương vong ngoài dự tính lớn.
Số thương vong dân thường ở Ukraine vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/3 cho hay hàng nghìn người dân Ukraine đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 121 trẻ em.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cùng ngày ước tính hơn 1.500 người bị thương và 977 dân thường thiệt mạng ở Ukraine, trong đó có ít nhất 81 trẻ em. OHCHR cho rằng con số thực tế sẽ cao hơn số liệu họ công bố, vì tình hình chiến sự cản trở tiếp cận thông tin chính xác.
Liên Hợp Quốc cho hay từ khi xung đột vũ trang bùng phát, hơn 3,6 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine và hơn 6,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên lãnh thổ nước này.
Không chỉ bế tắc trên chiến trường, cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa tìm thấy lối thoát trên bàn đàm phán. Moskva và Kiev đã mở 4 vòng đàm phán chính thức, bao gồm gặp mặt trực tiếp ở Belarus và trao đổi trực tuyến, nhưng chưa đạt được bất kỳ bất kỳ thỏa thuận chính trị nào.
Nga kiên quyết yêu cầu Ukraine tuyên bố vị thế trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, thừa nhận chủ quyền Nga ở Crimea và công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Donbass. Moskva cũng tiếp tục theo đuổi mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" chính quyền Ukraine.
Trong khi đó, Kiev nêu điều kiện cho thỏa thuận hòa bình là Nga phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này. Tổng thống Zelensky tuần qua khẳng định Ukraine sẵn sàng cân nhắc khả năng không tham gia NATO hoặc trở thành nước trung lập, nhưng các bên cần đặt ra đảm bảo an ninh dài hạn cho nước ông. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không chấp nhận "nhượng bộ lãnh thổ" với Nga.
Theo nhà phân tích Ukraine Andrey Buzarov, cả hai bên còn quá nhiều khác biệt về lập trường chính trị để đàm phán đạt được kết quả thực chất là một lệnh ngừng bắn hay hiệp ước hòa bình.
Sau những tuyên bố lạc quan cuối tuần qua từ cả Moskva và Kiev về khả năng đạt đột phá trong đàm phán, nỗ lực ngoại giao song phương tiếp tục rơi vào bế tắc trong tuần này, khi các bên cảnh báo cần thêm nhiều tuần đối thoại để xây dựng dự thảo hiệp ước hòa bình.
Kết quả tích cực hiếm hoi từ nỗ lực đối thoại là cam kết mở hành lang nhân đạo ở một số điểm nóng chiến sự để sơ tán dân thường, giúp hàng chục nghìn người rời khỏi vùng giao tranh.
Khủng hoảng Ukraine trong một tháng qua đã tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo tổ chức cần đánh giá lại dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay, với nguy cơ số liệu mới sẽ thấp hơn con số 4,4% ước tính ban đầu.
Phương Tây cũng đã khởi động quá trình giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, sau khi áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nhắm vào nước này. Cuộc khủng hoảng, kết hợp với lệnh cấm dầu Nga của Mỹ, đã đẩy giá xăng dầu thế giới lên cao kỷ lục.
Châu Âu bước vào thực tại địa chính trị mới với những lo ngại an ninh chưa từng có từ sau Chiến tranh Lạnh. Đức quyết định tăng ngân sách quốc phòng và đầu tư mạnh mẽ hơn cho quân đội, sau thời gian dài duy trì chi tiêu quân sự ở mức thấp.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự sẽ tăng gấp đôi lực lượng ở rìa phía đông, triển khai thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Romania, Slovakia và Hungary. Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đồng thời ủng hộ tăng đầu tư năng lực quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh cho khối ngoài khuôn khổ NATO.
"Sau một tháng giao tranh, chưa ai có thể nói trước chiến sự tại Ukraine sẽ kết thúc thế nào", bình luận viên John Psaropoulos của Al Jazeera nhận định. "Các lệnh trừng phạt từ phương Tây và sức kháng cự của Ukraine đến nay không đủ khiến Nga thay đổi lập trường hay các mục tiêu đã đặt ra, trong khi tình trạng phân cực sâu sắc trên trường quốc tế khiến những thiết chế như Liên Hợp Quốc khó tìm ra tiếng nói chung và giảm nhiệt xung đột".
Trung Nhân (Theo Al Jazeera, Guardian, AP)