Tổng thống Vladimir Putin ngày 23/3 thông báo sẽ tiếp tục bán khí đốt cho các nước "kém thân thiện" với Nga, nhưng không chấp nhận euro hay USD, mà yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
Ông chủ Điện Kremlin đặt thời hạn một tuần để chính phủ và ngân hàng trung ương Nga xây dựng phương án thanh toán chi phí khí đốt bằng đồng tiền của Nga, trong khi tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom được lệnh đưa thay đổi này vào các hợp đồng.
Danh sách các nước "kém thân thiện" với Nga gồm các quốc gia đã áp đặt cấm vận, trong đó có Mỹ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Thỏa thuận hợp tác với những cá nhân và doanh nghiệp tại các quốc gia này cần được ủy ban chính phủ Nga phê chuẩn.
Giá khí đốt đã tăng hơn 30% sau phát biểu của Tổng thống Putin, theo Bloomberg. Nga là bên cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của EU và đây là một yếu tố quan trọng đã tác động đến phản ứng của châu Âu với chiến dịch quân sự mà Moskva triển khai ở Ukraine.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 23/3 cho biết yêu cầu thanh toán mới của Tổng thống Putin là "hành vi vi phạm hợp đồng". Ông nói rằng Berlin sẽ thảo luận về biện pháp đáp trả với các đối tác châu Âu.
Italy, khách hàng lớn thứ hai của Gazprom, công ty độc quyền xuất khẩu năng lượng Nga, cho hay họ không có ý định thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble vì điều này có thể giúp Moskva làm suy yếu các biện pháp trừng phạt từ châu Âu.
Hầu hết các giao dịch hàng hóa toàn cầu được thực hiện bằng USD hoặc euro và chưa rõ Nga có thể buộc các khách hàng lớn nhất của mình thay đổi thế nào. Với các nước châu Âu, tìm nguồn cung ứng đồng ruble sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Việc giao dịch bằng đồng tiền của Nga đã bị cản trở nghiêm trọng bởi loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như những biện pháp kiểm soát vốn mà Moskva đang áp dụng nhằm ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài, giới phân tích đánh giá.
Động thái này cũng có thể phản tác dụng đối với Nga. Vinicius Romano, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Rystad Energy, nhận định việc Nga "quyết tâm đòi thanh toán bằng đồng ruble có thể khiến bên mua phải xem xét lại những khía cạnh khác trong hợp đồng, qua đó đẩy nhanh quá trình họ từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga".
Đối với các khách hàng mua khí đốt từ Gazprom, yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble có thể dẫn đến tranh chấp, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung khí đốt thông suốt cho khu vực.
"Nếu Gazprom từ chối giao khí đốt khi bên mua thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của hợp đồng ban đầu, thường là euro, bên mua có thể đưa tranh chấp ra tòa trọng tài", Anise Ganbold, nhà phân tích tại Aurora Energy Research, cho biết.
Về cơ bản, với biện pháp mới nhất của mình, Tổng thống Putin đang buộc các công ty châu Âu trực tiếp hỗ trợ đồng ruble, sau khi đồng tiền này giảm giá trị nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đồng ruble của Nga đã tăng 7%, giao dịch ở mức khoảng 98 ruble đổi một USD, sau khi Tổng thống Putin ra thông báo.
Theo Jason Tuvey, chuyên gia về thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu và tư vấn Capital Economics, mục đích của yêu cầu khách hàng "không thân thiện" mua khí đốt bằng ruble là tăng sức mạnh cho đồng tiền của Nga và giảm phụ thuộc vào nền tảng tài chính phương Tây. Tuy nhiên, nhược điểm là nó sẽ làm giảm dòng tiền USD và euro vào Nga, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Dòng ngoại tệ này cần thiết để Nga thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Chính phủ Nga thu lượng lớn USD từ hoạt động bán dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngân hàng trung ương Nga đã hạn chế khả năng sử dụng chúng của quốc gia này.
Theo Dmitry Polevoy, nhà kinh tế học tại công ty Locko Invest, trụ sở tại Moskva, các quốc gia "kém thân thiện" chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu năm 2021 của Gazprom với giá trị lên tới 69 tỷ USD. Ông nhấn mạnh bất kỳ thay đổi nào đối với thủ tục thanh toán đều có khả năng "gây ảnh hưởng tạm thời" đến khối lượng xuất khẩu khí đốt của Nga.
Tính đến quý ba năm ngoái, khoảng 58% tổng doanh thu bán khí đốt ở nước ngoài của Gazprom được thực hiện bằng đồng euro và 39% bằng USD.
OMV AG, công ty đa quốc gia về dầu, khí và hóa dầu có trụ sở chính tại Vienna, Áo, cho biết các hợp đồng khí đốt của họ với Nga không có điều khoản thanh toán bằng đồng ruble và công ty sẽ tiếp tục thanh toán bằng euro trong khi chờ thay đổi hợp đồng.
Tuy nhiên, đối với một số bên mua khí đốt Nga, việc chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble có thể khả thi.
"Điều đó không đe dọa nguồn cung, chúng tôi có một đối tác ở Bulgaria có thể thực hiện giao dịch bằng đồng ruble", công ty năng lượng nhà nước Bulgaria Bulgargaz EAD, khách hàng của Gazprom, cho hay. "Chúng tôi vẫn dự đoán tất cả tình huống bất thường và kịch bản này đã được thảo luận, vì vậy không có rủi ro với các khoản thanh toán theo hợp đồng hiện tại".
Trong 15 ngày đầu tháng 3, Gazprom xuất khẩu trung bình 500 triệu mét khối khí mỗi ngày sang các nước ngoài Liên Xô cũ, trong đó có các thành viên EU, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Dữ liệu của nhà sản xuất cho thấy dòng chảy khí đốt đến châu Âu đạt trung bình 384 triệu mét khối mỗi ngày.
"Tôi đoán việc thanh toán bằng đồng ruble có thể được thực hiện nếu một ngân hàng châu Âu hợp tác với một ngân hàng Nga, không bị trừng phạt, nhưng tình huống này sẽ rất khó xử", Jonathan Stern, học giả tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Bloomberg)