"Vì sao chăm chỉ mà vẫn thất bại?" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho chính mình. Tôi vẫn hay kể câu chuyện của mình để trả lời cho câu hỏi đó. Khi con đầu của vợ chồng tôi năm tuổi, con thứ hai mới được một tuổi, công ty buộc vợ tôi phải nghỉ để cắt giảm biên chế. Ai cũng nói, chúng tôi sẽ "chết đói" vì nhà đang ở thuê, con còn nhỏ, nay thêm vợ thất nghiệp, kinh tế đổ dồn vào tôi, không đói mới lạ.
Tôi mách vợ tôi ra vỉa hè mà buôn bán kiếm đồng ra đồng vào, nhưng vợ nói "không biết buôn bán nên không làm". Khuyên mãi rồi vợ cũng chịu làm từ con số không. Nghề dạy nghề, gần ba năm, từ số vốn ban đầu là khoảng 5 chỉ vàng có được sau khi bán hết những gì trong nhà, đến nay, vợ tôi đã có trong tay gần 40 cây vàng. Chúng tôi dùng tiền đó mua đất, vay tiền làm nhà. Tới giờ, hai vợ chồng có một thửa đất rất đẹp, mặt đường phố đẹp nhất để cho thuê.
Tôi nói vợ tìm chỗ nào thuê, dựng lều bán hàng thay vì bán ở vỉa hè như trước. Vợ tôi trăn trở: "Bán gì được?". Tôi nói "cứ bán hàng gì mà đường phố đó nhiều tiệm bán nhất". Nhiều người nói vợ chồng tôi "ngu ngốc, mở hàng chưa ai bán không mở lại đi đâm đầu vào thứ cả phố bán, đã đi sau lại còn làm theo người khác thì chết chắc".
Thời gian trôi qua, mặc kệ những lời bàn tán xung quanh, sau 5 năm, vợ tôi có trong tay hơn 200 cây vàng. Thấy vợ làm ăn tốt, chủ đất không cho chúng tôi thuê nữa, đòi bán đứt mảnh đất đó. Tôi không ngần ngại xuống tiền mua luôn. Sau đó, tôi bán nhà của mình đi. Bốn năm sau, vợ tôi có vốn là vài trăm cây vàng, cùng mảnh đất đó (trị giá hơn 200 cây vàng nữa).
Nói về quyết định chọn hàng bán của vợ chồng tôi ngày đó, tại sao chúng tôi lại chọn bán thứ mà người ta đã bán nhiều xung quanh? Đó là tư duy "buôn có bạn, bán có phường", phố đó tập trung nhiều người bán một mặt hàng ắt sẽ hình thành thói quen của người dân - muốn mua đồ gì là sẽ đến phố đó (vì có nhiều cửa hàng, tha hồ lựa chọn, so sánh giá cả). Như vậy, chúng tôi không mất thời gian, chi phí để quảng cáo. Vấn đề còn lại mang tính quyết định đến thành công chính là chất lượng, giá cả, thái độ, chính sách hậu bán hàng mà thôi.
Nhờ đi đúng hướng và xác định chính xác mấu chốt để thành công nên dù đến sau nhưng vợ tôi gần như chiếm hết thị phần rất nhanh chóng. Hai cửa hàng bán sát bên cạnh chúng tôi suốt từ đầu năm hầu như không có khách. Trong khi vợ tôi tư vấn, thuyết phục khách, ban đầu chỉ mua một món, mà cuối cùng ra về mua một "mớ". Khách hàng gắn bó đến mức, khi chúng tôi chuyển vào Sài Gòn, nhiều người còn lưu luyến nói: "Từ nay chúng tôi tìm mua ở đâu?".
Tôi không lý giải được tại sao suy nghĩ làm thuê lại thấm đẫm vào từng huyết quản của một bộ phận không nhỏ người Việt, hết đời này qua kiếp khác. Người ta cứ ngửa tay nhận đồng tiền công bèo bọt của giới chủ, lấy đó làm hạnh phúc và cảm thấy hài lòng. Họ chỉ cần thấy mình được lương cao hơn người khác là tự thân tụng ca. Họ bất chấp cả việc phải sợ từ người giữ xe đến nhân viên tạp vụ. Lúc nào, họ cũng chỉ lo coi chừng kẻo bị mách lẻo là "khốn nạn cái cuộc đời". Họ không dám tự dấn thân, vận động, tay làm hàm nhai.
Nếu bạn đang có điều kiện kinh doanh hãy mạnh dạn tiến tới. Nếu không thành công, hãy tự đặt câu hỏi: tại sao mình kinh doanh chưa hiệu quả? Có một câu chuyện thế này, ông chủ một hãng giày dép, cử nhân viên của mình qua một vùng lãnh thổ khác, để nghiên cứu mở rộng thị trường mới. Người này về báo lại rằng dân ở đây rất lạc hậu, không biết đi giày dép, nên không bán được hàng. Ông chủ sau đó cử một người khác đi, vì với ông, dân chưa quen xài giày dép thì phải tập cho họ biết đi giày dép, đó sẽ là một thị trường tiềm năng.
Cùng một sự việc, tư duy khác biệt sẽ tạo ra những kết quả rất khác biệt. Hy vọng câu chuyện thành công của vợ chồng tôi sẽ là nguồn cảm hứng để những người chưa tìm được thành công sớm chọn được hướng đi đúng đắn cho riêng mình. Nếu chăm chỉ mà vẫn thất bại, hãy tự hỏi xem mình đã sai ở đâu, chưa đúng ở điểm nào. Thay đổi một chút góc nhìn và tư duy, bạn hoàn toàn có thể đem về những thành quả đáng giá.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.