Khi đi học đại học ở Hà Nội, tôi có quen một người bạn sau này làm thợ cắt tóc. Tôi được chứng kiến hành trình vươn lên của anh: từ một thanh niên học xong phổ thông, không nghề nghiệp, không mối quan hệ, chân ướt chân ráo từ quê ra Hà Nội để mong đổi đời như nhiều người trẻ khác. Nhưng anh bạn này khác nhiều người khác là đã xác định được ngay con đường đi của mình để không phải mất thời gian vô ích: không học chuyên nghiệp mà chọn đi học nghề cắt tóc ngay khi rời ghế nhà trường và không thay đổi quyết định này dù có những lúc gặp thử thách vô cùng lớn.
Đầu tiên, anh xin vào phụ việc ở một salon tóc. Tôi được chứng kiến chuyện anh đã trải qua bao nhiêu ngày cứ hết lau nhà lại lau kéo... Cứ thế, phải đến mấy tháng sau, người chủ mới cho anh cầm đến cây kéo. Khi biết cắt tóc một chút, anh về cắt cho cả xóm trọ sinh viên bất kể giờ giấc, có khi nửa đêm vẫn thấy anh cắt tóc miễn phí ở phòng trọ của mình. Theo cuốn sách Những kẻ xuất chúng: "10.000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại", có nghĩa 10.000 giờ "luyện tập có chủ đích" là điều kiện cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực. Đối chiếu với trường hợp của anh, tôi thấy rất chính xác.
Cắt tóc ở một vài salon rồi ra làm trên vỉa hè mấy năm. Giờ đây, anh đã có salon tóc của riêng mình. Salon tóc của anh đặt ở một nơi đông người qua lại ngay giữa thủ đô. Nơi này có rất nhiều dịch vụ như ăn uống, thuốc men, khám chữa bệnh, đặc biệt là có rất nhiều salon tóc khác cũng mở ở đây. Để tồn tại và phát triển ở một nơi như thế, quả thực rất khó khăn vì sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, vợ chồng anh vẫn trụ vững được đến hôm nay và giờ đây, salon tóc của anh trở thành một địa chỉ làm tóc vô cùng uy tín.
Cửa hàng tóc của anh luôn luôn đông khách. Mặc dù vợ chồng anh có thuê thêm một người thợ nữa về phụ nhưng những ngày cuối năm này, anh làm vẫn không hết việc. Thường những ngày cận Tết, khách phải gọi điện đặt trước thì may ra mới được cắt tóc hay gội đầu ở salon của anh chị. Ngoài ra, anh chị còn mở thêm dịch vụ đi kèm như bán nước, bán rượu quê, chuyển tiền, giặt là...
Với mỗi một lần cắt, giá của trẻ em là 50.000 đồng, người lớn là 100.000 nghìn đồng trở lên, thêm tiền gội, tiền lấy ráy tai... có khi lên tới mấy trăm nghìn đồng. Còn với khách nữ thì đầu kiểu có khi đến cả tiền triệu luôn. Bởi vậy, riêng tiền cắt tóc, gội đầu, một tháng trung bình vợ chồng anh chị kiếm mấy chục triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Còn những ngày gần Tết này, một ngày anh chị kiếm cả chục triệu đồng là chuyện bình thường. Cộng với những nguồn thu từ những dịch vụ khác, một tháng thu nhập của anh chị là rất cao.
>> U50 đánh đổi 19 năm để thoát nghèo
Mở tiệm cắt tóc được vài năm, nhờ biết quản lý tài chính và tập trung chuyên môn nên đến giờ này anh chị tích lũy được số tiền khá lớn. Giờ đây, anh chị có thể mua được căn hộ chung cư rộng rãi tầm vài tỷ đồng. Tuy nhiên, anh chị vẫn tính để tiền đầu tư rồi vài năm nữa mới mua nhà. Ngoài ra, anh chị còn đưa các cháu từ quê ra để đào tạo nghề cho chúng, đứa đi học thì lo cho chỗ ăn ở và hỗ trợ kinh phí học hành.
Nói một người mua được nhà chung cư ở giữa thủ đô một cách dễ dàng như thế, mà người đó lại chỉ là một thợ cắt tóc, thì chắc nhiều người không tin nhưng đó là sự thật. Thậm chí ngay gần salon tóc của anh, có cặp vợ chồng khác mở tiệm photocopy cũng mua được nhà từ mấy năm nay rồi.
Từ trước đến nay, mọi người cứ nghĩ rằng phải bằng cấp nọ kia thì mới làm được những công việc để có thu nhập cao, từ đó mới có tiền để mua nhà. Đó cũng là suy nghĩ của tôi lúc trước, nhưng khi ra cuộc sống và biết đến hành trình lập nghiệp của anh chị, tôi mới hiểu ra rằng, ai cũng có thể kiếm được tiền để mua nhà thành phố. Họ có thể là người có học vấn cao, có thể là người lao động tự do, miễn là họ có khả năng và biết phát huy thế mạnh của mình.
Vợ chồng anh chị cắt tóc bạn tôi đã và đang thành công trên con đường đã chọn. Sự thành công này càng minh chứng cho một điều rằng: nếu ta tập trung "10,000 giờ luyện tập có chủ đích" thì dù bạn là ai, dù là người tri thức hay là người lao động thì đều có thể đạt được thành quả tốt đẹp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.