Dịp Tết vừa qua, sau mấy năm dịch bệnh, nhiều người ở quê tôi đi làm ăn hay sinh sống ở xa nay mới có dịp về quê ăn Tết. Gần nhà tôi có một đại gia đình cũng trở về sau mấy năm đi xa. Nhiều năm trước, cuộc sống ở quê khó khăn, nên các anh chị đã đi lập nghiệp ở một vùng đất phương Nam, trước là một thị xã nay đã lên thành phố. Mấy chục năm trước, quê tôi – một làng quê Băc bộ còn khó khăn như nhiều làng quê khác. Gia đình các anh chị này lại đông anh em nên cuộc sống càng cực khổ.
Cái ăn chẳng có, chuyện học hành lại càng bi đát hơn. Khó khăn như vậy đã thôi thúc người anh cả quyết tâm ra đi tìm đường cứu bản thân mình. Rồi lần lượt anh thứ, chị cả... cũng đi vào vùng đất mới với muôn vàn thử thách. Các anh chị phải bắt đầu từ con số "0". May mắn là thời đấy đất đai còn rộng rãi nên họ khai hoang, lấn đất được nhiều. Rồi hơn chục năm trở lại đây, khi đất đai sốt giá thì các anh chị có chút của ăn của để.
Ở quê tôi giờ đây, kinh tế dù còn khó khăn nhưng cũng gọi là có ăn, có mặc so với nhiều vùng quê khác. Tuy vậy, chuyện đi du lịch ở Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu... vẫn là những điều xa xỉ lắm. Các anh chị về là đi cà phê sang chảnh, trái ngược với với mọi người còn ở quê. Rồi chuyện đi máy bay cũng là điều gì đó xa xôi với đa số mọi người ở quê tôi. Nhưng với các anh chị, những chuyện này là rất bình thường. Trước dịch Covid-19, hầu như năm nào các anh chị cũng về thăm quê. Chân đi, miệng cũng phải đi, mỗi đợt về quê như thế thường rất tốn kém, nhưng các anh chị vẫn thu xếp được.
Đặc biệt, trước kia ở quê, do gia đình đông con nên các anh chị không có điều kiện học hành, có người chỉ học hết lớp 5, lớp 6. Nhưng giờ đây, ở vùng đất mới, con cái của các anh chị đã được học hành rất bài bản, nhiều cháu đã tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng ở phía Nam. Có cháu ra trường đi làm lương khá cao. Trong khi đó, anh chị của họ ở quê thì cuộc sống chi tạm đủ, con cái cũng chỉ tốt nghiệp trung học, nếu có đi học chuyên nghiệp thì cũng chỉ học những trường không tốt lắm.
>> 'Học giỏi thế mà sao vẫn nghèo?'
Từ thực tế gia đình của anh chị, rồi chuyện thành công của những người dám thay đổi, tôi liên tưởng đến chủ đề làm giàu. Trong những điều hạn chế của người Việt, cụ Phan Chu Chinh đã chỉ ra cả trăm năm trước rằng: "Trong khi họ có óc ρhiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắρ thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếρ, hú hí với vợ con".
Trong nhiều năm trước đây, điều đáng buồn này là hoàn toàn đúng với nhiều người, bởi tâm lý sợ phải đi khỏi lũy tre làng, sợ một khởi đầu mới... Tuy nhiên, hiện nay, chuyện này đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như giờ đây, khi học xong phổ thông, nhiều học sinh chọn đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học ở nước ngoài thay vì cố thi lên đại học.
Biết là "nếu có chữ 'nếu' thì có thể đưa cả Paris hoa lệ vào một cái chai", nhưng tôi vẫn ước rằng nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ chuyển hướng ngay, không loay hoay mất nhiều thời gian như hiện tại: tôi sẽ cố gắng để đi học hay đi làm việc ở nước ngoài ít nhất vài năm để trải nghiệm được nhiều hơn, giúp tầm nhìn được mở mang. Đi để biết, để học hỏi mở rộng tầm mắt, may mắn thì còn có thể có vốn để làm ăn.
Thấy bạn bè, con cháu đi làm việc, học tập ở nước ngoài về, kể bao nhiêu chuyện; có nhiều người có những thay đổi tích cực về cách sống, cách làm việc do được học những điều tốt đẹp từ nước ngoài; người có vốn để sống, để làm ăn, mà tôi thấy tự ngượng với lòng mình, tiếc nuối thêm vì bỏ phí trải nghiệm quý báu.
Có cuốn sách nói rằng người Israel rất hay đi du lịch. Chính vì những chuyến đi như vậy nên họ đã lĩnh hội được những điều hay trên khắp thế giới giúp bản thân, đất nước họ phát triển. Cuộc sống loài người luôn phát triển chính là nhờ sự vận động không ngừng, thay đổi cũng là một hình thức của vận động. Khi thay đổi thì hoặc được tiền, hoặc được trải nghiệm, thậm chí là rủi ro.
Cũng lo lắng lắm đấy nhưng để có thể có được một cuộc sống tốt hơn thì việc có rủi ro là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, nếu cuộc sống khó khăn, không có nhiều triển vọng, hoặc đơn giản muốn thay đổi thì hãy mạnh dạn thay đổi. Đừng sợ!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.