Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải đáp những thắc mắc về phương pháp này.
Ai được tiêm botox gọn hàm?
Botox (viết tắt của botulinum toxin) có nguồn gốc từ vi khuẩn clostridium botulinum. Botox được sử dụng trong y tế hơn 50 năm qua với tác dụng thẩm mỹ và điều trị các bệnh rối loạn cơ hoặc thần kinh. Trong ngành thẩm mỹ, đây là liệu pháp điều trị tăng tiết mồ hôi bàn tay, vùng nách, các nếp nhăn trên trán mày, tiêm thon gọn hàm, vai, bắp chân.
Người đủ 18 tuổi trở lên, có cơ hàm bạnh, vuông, không cân đối, có nhu cầu làm thon gọn hàm nhưng không muốn phẫu thuật, xâm lấn có thể tiêm botox.
Trường hợp chống chỉ định tiêm botox thon gọn hàm là người dưới 18 tuổi; phụ nữ mang thai hoặc cho con bú; viêm da, nhiễm trùng phần hàm, điều trị răng miệng; dị ứng với bất kỳ thành phần nào của botox; rối loạn tâm thần...
Botox làm gọn hàm như thế nào?
Để tiêm gọn hàm, bác sĩ dùng kim tiêm nhỏ đưa botox vào sâu trong cơ cắn ở hai bên góc hàm. Cơ chế hoạt động của botox là ức chế dẫn truyền thần kinh (chặn các tín hiệu được truyền từ dây thần kinh đến các cơ), khiến khối cơ thư giãn, giảm khả năng hoạt động, không co lại được.
Sau một tuần, cơ cắn suy yếu, sau một tháng cơ giảm kích thước và teo lại, giúp hàm thon gọn hơn, tạo đường viền hàm. Độ gọn hàm tùy vào cơ địa và lượng thuốc tiêm ở từng trường hợp.
Tuy nhiên, botox chỉ tác động đến vùng cơ, không có tác dụng điều chỉnh vùng xương hàm. Người bệnh thuộc tình trạng hàm to do khung xương thì không thể áp dụng tiêm botox gọn hàm. Trường hợp này chỉ có thể phẫu thuật gọt khung xương hàm.
Tiêm botox có nguy hiểm không?
Phương pháp này không gây nguy hiểm nếu được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn thẩm mỹ, đúng kỹ thuật tiêm, đúng liều và vùng tiêm. Sử dụng botox quá liều hoặc không đúng chỗ gây ra các biến chứng như chảy xệ vùng hàm, phình cơ cắn, chứng khô miệng do botox lan tỏa vào tuyến nước bọt dưới hàm, bầm tím vùng tiêm... Nặng hơn người bệnh không thể cười tự nhiên, nụ cười bị biến dạng, hàm lệch, khó khăn khi há miệng, tê liệt cơ mặt.
Thông thường, người gặp tác dụng phụ sau khi tiêm gọn hàm do thực hiện ở các spa, cơ sở y tế không đủ giấy phép kinh doanh; người thao tác tiêm không có chuyên môn về da liễu - thẩm mỹ da. Sử dụng botox không rõ nguồn gốc; bảo quản không đúng quy định của nhà sản xuất; dụng cụ tiêm không vô khuẩn cũng có thể gây tác dụng phụ.
Tiêm botox có hiệu quả vĩnh viễn không?
Phương pháp này chỉ có hiệu quả trong khoảng thời gian nhất định. Hai tuần sau khi tiêm botox, khối lượng cơ cắn giảm nhẹ. Tác dụng thon gọn hàm có thể kéo dài tối đa 9 tháng. Theo cơ chế tự nhiên, botox giảm dần tác dụng để khuôn mặt trở lại bình thường. Cần thực hiện lại sau 3-6 tháng để duy trì cơ cắn thon gọn và tạo đường nét khuôn mặt dưới lâu dài.
Kiêng ăn gì sau khi thực hiện phương pháp này?
Không có đồ ăn hay thức uống cần tránh và không có chế độ ăn nào đặc biệt cần thực hiện sau khi tiêm botox gọn hàm. Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý tránh đồ uống có cồn, nhất là rượu đỏ, trong vòng 24h giờ trước và sau thủ thuật, vì làm tăng nguy cơ bầm tại chỗ tiêm và có thể mất nước. Mất nước ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục.
Tiêu thụ quá nhiều caffein cũng có khả năng gây mất nước và tăng nhịp tim. Giống như tập luyện quá mức, tăng nhịp tim và lưu lượng máu có thể làm quá trình phân hủy botox diễn ra nhanh chóng hơn trước khi tác dụng của botox phát huy.
Những thói quen ảnh hưởng đến hiệu quả làm đẹp như ngủ muộn, dùng mỹ phẩm ở khu vực cằm, hàm sau khi tiêm; sấy tóc quá nóng, đeo khẩu trang quá chật trong hai ngày sau tiêm... Nếu có biến chứng, quá đau hay vấn đề phát sinh, người bệnh cần đến ngay bệnh viện.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |